Skip to main content

Vượt lên nỗi đau da cam

          Dù đã trải qua 60 năm kể từ khi xảy ra thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021) nhưng nỗi đau da cam vẫn hằn lên trong mỗi gia đình nạn nhân. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, cộng đồng luôn chung tay giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

          Nhiều chính sách nhân văn, kịp thời

          Trong vòng 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất khai quang với lượng dioxin lên tới gần 400kg lên 3 triệu ha, gần bằng 1/4 diện tích của miền Nam Việt Nam. Hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu.

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam - Ảnh 1.

Nỗi đau của một gia đình với những đứa con bị nhiễm chất độc da cam.

          Ngay trong những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, công cuộc kiến thiết đất nước bắt đầu, giữa bộn bề khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến hậu quả của chất độc hóa học (CĐHH) của Mỹ để lại. Ngày 15/10/1980, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có Quyết định số 288-TTg về Thành lập Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam, nhằm có một cuộc điều tra cụ thể, đầy đủ những tác động tàn khốc của CĐHH lên con người và môi trường tại những vùng đất mà quân đội Mỹ đã phun rải trong thời gian chiến tranh.

          Đặc biệt, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được thành lập như một ngôi nhà chung cho những số phận da cam. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với nhiệm vụ khắc phục hậu quả CĐHH, hỗ trợ đời sống tinh thần, vật chất cho các nạn nhân da cam.

          Cùng với đó là rất nhiều chủ trương, chính sách đầu tư kinh phí cho hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân thông qua những chính sách, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và những người dân bị nhiễm CĐHH như: trợ cấp thường xuyên và đột xuất, hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, học bổng và tìm kiếm việc làm… Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tham gia giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau".

          Cùng với nguồn lực của Nhà nước, công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam cũng được xã hội, nhân dân quan tâm. Đánh giá về nguồn lực cũng như việc thực hiện chính sách cho nạn nhân da cam/dioxin, Trung tướng Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VAVA cho biết, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, gắn phong trào "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" với các phong trào, các ngày kỷ niệm, ngày lễ, tết…Đến nay, Hội đã vận động Quỹ Nạn nhân chất độc da cam được hơn 2.620 tỷ đồng, số tiền đó đã chi làm nhà, hỗ trợ vốn, sinh kế; trao học bổng; xây dựng các trung tâm xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe, trợ cấp khó khăn; thăm, tặng quà nạn nhân, gia đình nạn nhân nhân ngày lễ, tết, Ngày 10/8 hằng năm.

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam - Ảnh 3.

Chủ tịch VAVA, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh thăm, tặng quà nạn nhân da cam.

          Vượt lên nghịch cảnh

          Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhiều gương điển hình của nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vươn lên hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó phải kể đến trường hợp em Nguyễn Minh Thuận ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Di chứng chất độc da cam để lại khiến nửa người bên trái Thuận bị căng cứng nên đi lại rất khó khăn, quai hàm và miệng liên tục co giật và bị méo, mặt luôn nghểnh cao về bên trái, các ngón bàn tay bị co rút. Với ý trí và nghị lực vượt lên nghịch cảnh, Thuận đã liên tục đạt thành tích học tập xuất sắc 3 năm THPT và là sinh viên giỏi suốt các năm học đại học.

          Sau khi tốt nghiệp, Minh Thuận được nhận vào làm tại nhiều đơn vị, trong đó có 10 năm công tác tại Trung tâm phần mềm Trường đại học Võ Trường Toản với nhiệm vụ giảng dạy, lập trình phần mềm và hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp. Mặc dù điều kiện làm việc rất tốt, thu nhập ổn định, nhưng đi làm xa nhà đến gần 20km mỗi ngày, do vậy năm 2019 Thuận đã xin nghĩ việc tại trường. Sau đó Thuận được Công ty phần mềm FPT tuyển vào làm việc, chủ yếu làm việc bằng hình thức công nghệ online, thu nhập thông qua sản phẩm phần mềm. Hiện tại, thu nhập cố định của Minh Thuận tương đương 10 triệu đồng/tháng, ngoài ra Thuận còn có nhiều khoản thu nhập tăng thêm khi các sản phẩm phần mềm hoàn thành.

Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam - Ảnh 4.

Hội Hỗ trợ nạn nhân da cam tỉnh Thái Bình thăm, tặng quà gia đình các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh.

          Còn anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là nạn nhân chất độc da cam/dioxin gián tiếp loại 2 (ảnh hưởng từ người cha từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị). Từ khi sinh ra, đôi chân anh đã bên thấp bên cao, bên to bên nhỏ, đi lại khập khiễng, thường bị các bạn trêu đùa, chọc ghẹo nên rất tự ti. Vượt lên mặc cảm, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, anh không đi học tiếp mà ở nhà tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Lúc đầu, anh vay mượn mua một chiếc xe công nông để vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng phục vụ bà con trong thôn, xã.

          Năm 2001, sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng anh nhận thầu 3 mẫu ruộng của hợp tác xã để cấy lúa và chăn nuôi theo mô hình vườn-ao chuồng (VAC). Sau một thời gian, tích lũy được thêm vốn và vay ngân hàng, anh mua một chiếc xe ô tô tải để buôn bán vật liệu xây dựng. Nhờ tích cóp dần dần, vợ chồng anh đã thành lập công ty đầu tư phát triển và xây dựng Hùng Phát với số vốn 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 - 15 lao động là con cháu các cựu chiến binh, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam của địa phương với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, năm 2018, anh mạnh dạn thành lập công ty may mặc xuất khẩu. Hiện, công ty của anh đang tạo việc làm cho gần 100 công nhân là người địa phương với mức lương trung bình hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Bản thân anh và gia đình cũng luôn là những hạt nhân tích cực trong các phong trào, cuộc vận động của địa phương. Cụ thể, gia đình anh đã hiến hơn 100m2 để làm đường giao thông; ủng hộ vật tư, tài chính xây dựng giao thông thôn xóm, đường nội đồng và các công trình phúc lợi của xã với số tiền trên 100 triệu đồng; ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các gia đình chính sách trên 20 triệu đồng…

Nguồn: Báo điện tử dân sinh