Thứ năm, 21 Tháng 12 2023 10:06

Hội nghị ngoại giao lần thứ 32: Xây dựng, phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại

         

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội tới điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Toàn cảnh phiên khai mạc hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội;…

          Dự phiên khai mạc hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND và các sở, ban, ngành của tỉnh;…

Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự phiên khai mạc hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

          Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Thời gian qua, công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc “Ngoại giao cây tre Việt Nam”.

          Từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (được tổ chức vào ngày 14/12/2021) đến nay, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và gần 50 chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm như: chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden;… đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả.

          Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.

          Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế được mở rộng, làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ… đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

          Ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 60 di sản, địa danh của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, trong đó riêng 3 năm qua có thêm 13 di sản, địa danh được UNESCO công nhận.

          Thảo luận tại phiên khai mạc hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy Ban đối ngoại Quốc hội, UBND thành phố Hà Nội,… đã nhìn lại và đánh giá kết quả thực hiện đường lối đối ngoại, công tác ngoại giao trong thời gian qua; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp triển khai công tác đối ngoại, xây dựng và phát triển ngành ngoại giao từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII;…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị ngoại giao lần thứ 32

          Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà các cấp, các ngành, các địa phương đạt được trong công tác đối ngoại và ngoại giao trong thời gian qua. Đồng thời nêu rõ: các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cần đúc kết các bài học kinh nghiệm từ những thành tựu đã đạt được, cũng như đánh giá những hạn chế trong công tác đối ngoại và ngoại giao trong thời gian qua để chủ động khắc phục những hạn chế, phát huy những thành tựu đã đạt được, qua đó làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng.

          Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị: ngành ngoại giao tiếp tục bám sát vào đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đối ngoại, các nghị quyết của Trung ương, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,… từ đó chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể.

          Về vấn đề xây dựng, phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận; tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, đổi mới cơ chế phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc, chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử, tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ;…

          Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sẽ tiếp tục làm việc đến ngày 23/12/2023.

Nguồn: baolangson.vn