Skip to main content
Ban biên tập | 9 August 2018

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 12.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT &TMC), trong đó, có trên 8.900 NKT, chiếm gần 1,2% trên tổng dân số toàn tỉnh. NKT đặc biệt nặng, khuyết tật nặng là hơn 6.500 người, với nhiều dạng khuyết tật khác nhau như: khuyết tật vận động, câm, điếc, mù bẩm sinh… Trong thời gian qua, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, triển khai nhiều dự án, mô hình để chăm sóc, giúp đỡ NKT vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

ctxh

Nhà hảo tâm tặng quà cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Hiện nay, hội đã thành lập được các hợp tác xã NKT, với nhiều ngành nghề khác nhau như: nghề may, làm chổi chít và tăm tre, xây dựng các công trình nhà ở, trường học… Các mô hình trên đều hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm ổn định, cho thu nhập cho NKT.

Chị Chu Thị Pẻn, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc cho biết: Tôi bị tật nguyền chân tay từ bé, 3 năm trở lại đây tôi được nhận vào làm việc tại xưởng làm chổi chít của Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh. Mỗi tháng cho thu nhập từ 2,5 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, tôi còn được giao lưu, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống cùng với mọi người làm việc tại xưởng. Qua đó, đã tạo cho tôi tự tin hơn, hòa nhập với cộng đồng.

Một trong những mô hình thiết thực tạo công ăn việc làm cho NKT, đó là mô hình mở các cửa hàng kinh doanh hoa quả, hàng nông sản tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình và cửa hàng bán quần áo tại đường phai vệ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Các cửa hàng trên đã tạo việc làm cho từ 5 – 7 NKT, với thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng trở lên. Cùng với đó, hội còn phối hợp với UBND xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn triển khai dự án chế biến bánh ngải và các loại bánh đặc sản Lạng Sơn, bước đầu dự án này đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Qua đó đã giúp được NKT có việc làm, thu nhập ổn định, đồng thời tạo điều kiện cho NKT có cơ hội giao lưu, vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 thông qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai dự án sinh kế chăn nuôi lợn tại 8 hộ gia đình nghèo ở các xã: Tân Minh, Trung Thành, Đào Viên, huyện Tràng Định, đến nay đã nâng tổng số đàn lên hơn 30 con. Qua dự án đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo có NKT phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Từ những mô hình, dự án thiết thực giúp đỡ NKT tạo việc làm, cho thu nhập ổn định đã giúp NKT từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ đó không ít người vươn lên trở thành những tấm gương điển hình về nghị lực sống trong xã hội như: ông Đinh Viết Tiến, là NKT nhưng đã phấn đấu vượt qua khó khăn bệnh tật thành lập công ty chuyên xây dựng các công trình; bà Dương Thị Từ, là chủ cơ sở chổi chít đã tạo việc làm ổn định cho từ 8 -10 NKT…

Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cho biết: Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và của cả cộng đồng, NKT đã ngày càng được trợ giúp thiết thực, hiệu quả hơn. Đó là điểm tựa để NKT vượt lên hoàn cảnh, tự ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc hòa nhập cộng đồng như: hệ thống cơ sở dạy nghề, dạy văn hóa cho NKT vẫn còn ít, nhất là ở tuyến huyện; nhiều NKT vẫn khó khăn trong tìm việc làm phù hợp; nhiều công trình văn hóa, thể thao, giao thông công cộng vẫn chưa thực sự thân thiện với NKT…

Chính vì vậy, để giúp đỡ NKT vững vàng vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT. Đây là hướng trợ giúp bền vững nhất giúp NKT xóa đi mặc cảm tự ti, đem lại nguồn vui sống, góp phần giảm bớt chi phí Nhà nước, tạo cơ hội cho NKT hòa nhập toàn diện với cộng đồng bằng chính khả năng của mình./.

Nguồn: baolangson.vn