Skip to main content
Ban biên tập | 6 July 2018

Ngày 13/12/2017, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với WHO tổ chức hội thảo đánh giá việc thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và ký kết Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017-2020.

te

Các bộ, ngành, địa phương ký kết Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước cho

trẻ em giai đoạn 2017-2020. Ảnh: VGP/Thế Phong

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, tai nạn thương tích (TNTT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và người chưa thành niên, để lại hậu quả nặng nề và ảnh hưởng đến sự sống còn, phát triển của trẻ em.

Trên cơ sở Luật Trẻ em năm 2016, ngày 05/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016-2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống TNTT trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước.

Sau 2 năm thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg, đã có nhiều thành công trong công tác phòng chống TNTT trẻ em như: Các chiến dịch truyền thông đã tác động tích cực đến sự quan tâm nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống TNTT, giảm tử vong cho trẻ em. Các bộ, ngành, đoàn thể đã ban hành kế hoạch triển khai quyết định và quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí để triển khai hoạt động, nhờ đó các mục tiêu bước đầu đạt được, tỷ lệ tử vong do TNTT đã có chiều hướng giảm.

Đến tháng 6/2017, toàn quốc đã xây dựng được trên 1.600 mô hình tự quản bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và phòng, chống TNTT, đuối nước trẻ em. Riêng 4 tổ chức (Swim Vietnam, Hue Help, Water Safety Vietnam, Swim For Life) đã dạy bơi cho 45.460 trẻ em, giáo dục kiến thức an toàn dưới nước cho 109.500 trẻ em và đào tạo gần 2.400 giáo viên dạy an toàn dưới nước cho học sinh.

Cả nước có 699 bể bơi kiên cố, trong đó 59 bể bơi tiêu chuẩn. Các tỉnh, thành phố đã đầu tư xây dựng, lắp ghép các loại hình bể bơi đơn giản, trong đó có 179 bể bơi thông minh, 5.881 điểm ao hồ, sông ngòi được cải tạo để dạy bơi cho trẻ em, khắc phục tình trạng thiếu bể bơi, thực trạng đuối nước trên các địa bàn.

Cùng với đó, tất cả các tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước. Nhiều địa phương đạt hiệu quả cao như Đà Nẵng, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Hà Nội...

Tại hội thảo, đại diện các bộ, ban ngành, địa phương đã cùng nhau nhìn lại những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Quyết định 234/QĐ-TTg như: Khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu kinh phí ở nhiều địa phương; công tác giáo dục, kiểm tra phòng chống TNTT, đuối nước tại chính quyền cơ sở một số nơi không thường xuyên, thiếu chủ động, hay sự thiếu ý thức bảo vệ trẻ em của người lớn...

Để khắc phục những hạn chế và phấn đấu đến năm 2020 giảm 6% tỷ lệ trẻ em bị đuối nước so với năm 2015, các đại biểu cho rằng, thời gian tới phải đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng, chống TNTT trẻ em như: Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sử dụng áo phao khi lưu thông đường thủy, trang bị các trang thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ nhỏ; gắn kết hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các cơ sở để đáp ứng nhu cầu học bơi, luyện tập cho các cháu. Cùng với đó là ban hành các chính sách ưu tiên dạy bơi đối với thanh thiếu niên, trẻ em và miễn, giảm học phí đối với các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hưởng chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên, trẻ ở biên giới, hải đảo...

Trong giai đoạn tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng WHO và UNICEF tiếp tục xây dựng một mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa sự vào cuộc của toàn xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Nguồn: baochinhphu.vn