Skip to main content
Ban biên tập | 20 June 2018

Chiều 18/6/2018, tại Hà Nội, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức chương trình gặp mặt đại biêu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt lần thứ 11. Tham dự có nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN), Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Thứ trưởng Bộ (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, nhà tài trợ và 70 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong cuộc sống.

te
Các nhà tài trợ đã trao tặng các em nhiều quà ý nghĩa nhằm động viên các em.

Chương trình Gặp mặt đại biểu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lần thứ 11  nhằm biểu dương, động viên các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong cuộc sống, vươn lên đạt những thành tích cao trong học tập và rèn luyện, là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua ái quốc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham gia Chương trình, các em được tham dự nhiều hoạt động: Viếng Lăng Bác, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đặc biệt, sáng cùng ngày, các em nhỏ vinh dự được Chủ tịch nước gặp mặt, động viên; được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành và các nhà tài trợ.

te

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt

Phát biểu tại buổi Gặp mặt, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, nhiều hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã  được triển khai để tất cả trẻ em được phát triển lành mạnh, đặc biệt là quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu sâu vùng xa. Chương trình là một trong những hoạt động ghi nhận biểu dương đánh giá cao những nghị lực vươn lên của các em. 70 em nhỏ là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào yêu nước. “70 em nhỏ có những cảnh khó khăn khác nhau, nhưng tất cả các em đã nghị lực vươn lên đạt nhiều thành tích cao là tấm gương sáng cho trẻ em cả nước noi theo”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Trong tổng số 70 đại biểu trẻ em, có 19 em dân tộc thiểu số; 38 em sống trong gia đình hộ nghèo và hộ cận nghèo; trẻ em trong gia đình khó khăn: 32 em; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ: 29 em. Mặc dù sống trong điều kiện rất khó khăn, nhưng các em đều có ý thức phấn đấu, vượt khó,vươn lên trong cuộc sống, học tập và rèn luyện. Các em đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia… Có 98 giải cấp huyện, 44 giải cấp tỉnh, 1 giải cấp quốc gia, 1 giải sao khuê, 3 huy chương và 1 Bằng khen, gồm các môn toán, tin học, vật lý, hóa học, văn học, lịch sử, sinh học, khoa học kỹ thuật, tiếng anh, tiếng dân tộc, các môn năng khiếu về văn, thể, mỹ… Bên cạnh thành tích học tập, một số em còn đạt thành tích cao trong các kỳ thi năng khiếu như : Múa, hát, MC, đọc thơ, vẽ tranh, kể truyện, thi khéo tay, thể dục thể thao…

Ngoài thời gian học tập, đa số các em còn phụ giúp gia đình làm việc để trang trải cuộc sống. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cảm ơn các nhà tài trợ luôn đồng hành cùng Quỹ BTTEVN giúp các em nhỏ có thêm động lực, niềm tin quyết tâm để vươn lên trong thời gian tới. 70 em tham dự chương trình đến từ 14 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc, gồm: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Là 1 trong 70 nhỏ được tham dự chương trình, em Ma Thị Huế, sinh năm 2003, dân tộc Tày, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Em mồ côi bố từ nhỏ, gia đình thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên, em luôn cố gắng để vươn lên học tập. Trong năm học 2016-2017, em đạt giải nhất cuộc thi "Sử dụng thí nghiệm giỏi" môn hóa học cấp huyện; giải nhì cuộc thi "Giải toán bằng tiếng Anh trên Internet" cấp huyện; giải khuyến khích cuộc thi "Giải toán bằng tiếng Việt qua Internet" cấp huyện; giải khuyến khích cuộc thi học sinh sử dụng thiết bị thí nghiệm giỏi cấp tỉnh. Phát huy kết quả học tập của năm học trước, sang năm học 2017-2018, em đạt giải ba cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp huyện; giải nhất cuộc thi thí nghiệm thực hành môn hóa học cấp huyện.

Em Bàn Tòn Cao, dân tộc Dao, sinh năm 2007, học lớp 5, tỉnh Đắk Nông, gia đình thuộc hộ cận nghèo, ít đất sản xuất nên bố mẹ phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.  Em là con thứ 2 trong gia đình có 2 anh em. Từ lớp 1 đến lớp 4, Cao đều đạt học sinh giỏi, xuất sắc; đạt giải 3 cấp tỉnh cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng năm 2016-2017 với sản phẩm là xe đa năng có thể gieo thóc.

Hay trường hợp em Phạm Thị Khánh Huyền, sinh năm 2003, đến từ tỉnh Hưng Yên. Gia đình Khánh Huyền có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi bố từ năm 2 tuổi, một mình mẹ vừa phải nuôi mẹ già vừa nuôi hai con đang ăn học. Tuy nhiên, trong suốt 9 năm học qua, Huyền liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học lớp 6 đạt giải khuyến khích cấp tỉnh trong cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên internet. Năm học lớp 7, 8, em đạt giải Ba cấp huyện trong cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên internet. Năm học lớp 9, Huyền đạt giải Nhất cấp huyện môn Ngữ văn. Trong năm 2014 và năm 2015 đều đạt giải A tiết mục kể chuyện trong Liên hoan Giai điệu tuổi hồng và Thiếu nhi kể chuyện tỉnh Hưng Yên. Năm 2016 đạt giải Xuất sắc trong Liên hoan Giai điệu tuổi hồng và Thiếu nhi kể chuyện tỉnh Hưng Yên; năm 2017 đạt giải Nhất cuộc thi Kể chuyện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh huyện Văn Lâm. Phạm Thị Khánh Huyền vinh đự được tặng Bằng khen của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên vì có thành tích tiêu biểu trong tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cấp tỉnh.

Tại buổi gặp mặt, 70 đại biểu trẻ em được giao lưu, học hỏi, thể hiện các tài năng, năng khiếu của mình như: Đọc thơ, múa, hát, kể chuyện, vẽ và được xem các nghệ sĩ biểu diễn các tiết mục xiếc, ảo thuật...

Nhân dịp này, các nhà tài trợ đã trao tặng các em nhiều món quà ý nghĩa nhằm động viên các em, giúp các em vượt qua khó khăn để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn: molisa.gov.vn