Skip to main content
Ban biên tập | 8 June 2018

Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tổng số trẻ dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện có 189.600 cháu, chiếm 24% dân số. Kỳ nghỉ hè năm 2018  đã đến nên nhu cầu vui chơi của trẻ em là rất lớn, đặt ra vấn đề cần quan tâm xây dựng những “sân chơi” bổ ích cho các em thiếu niên, nhi đồng.

te
Các em học sinh đọc sách tại  Thư viện tỉnh Lạng Sơn

Thiếu sân chơi

Mặc dù hiện nay toàn tỉnh có trên 2.000 nhà văn hóa xã, phường, thôn, bản cùng hàng trăm điểm vui chơi, giải trí lớn, nhỏ cho trẻ em được xây dựng nhưng do số lượng trẻ em đông, các điểm vui chơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các em và hiệu quả đem lại không cao, sân chơi đặc thù cho trẻ em trên địa bàn còn yếu và thiếu.

Tại các vùng nông thôn, tuy không gian rộng nhưng lại thiếu nơi vui chơi an toàn và định hướng, chỉ bảo của người lớn trong việc tham gia vào các hoạt động. Vì thế, trẻ em thường tụ tập theo các nhóm và chơi tại những địa điểm không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhiều em còn bị bạn bè lôi kéo, rủ rê sa vào các tệ nạn xã hội như: nghiện hút, đánh bạc, tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Một số em tự tìm kiếm, tổ chức các trò chơi vận động như: bóng đá, cầu lông, đạp xe… trên vỉa hè, lòng đường; bơi lội sông, suối… vì vậy dẫn tới những hậu quả khôn lường. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã có 111 trẻ em bị tai nạn thương tích.

Nỗ lực của các ngành

Trước thực trạng đó, các cấp, ngành đã vào cuộc để tạo ra những “sân chơi” cho trẻ em trong dịp hè. Cụ thể như: Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ; Tỉnh Đoàn chỉ đạo các huyện, thành đoàn chuẩn bị chu đáo công tác đón học sinh về sinh hoạt hè; Thư viện tỉnh đổi mới để thu hút trẻ em…

Chị Nông Thị Hảo, Phó Bí thư Huyện Đoàn Lộc Bình cho biết: Các cơ sở đoàn và đội sẽ tổ chức cho các em sinh hoạt vào các ngày thứ 7 hoặc chủ nhật hằng tuần với các chuyên đề như: chơi trò chơi dân gian, thi văn nghệ, tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích… Đặc biệt, trong dịp hè, Huyện Đoàn sẽ phối hợp với ngành chức năng tổ chức lớp học bơi cho các em nhỏ tại trung tâm huyện. Qua những buổi sinh hoạt như thế sẽ tạo điều kiện cho các em gặp gỡ, giao lưu, kết bạn và học được thêm nhiều kỹ năng sống thiết thực.

Tại Cung Thanh thiếu nhi tỉnh, hiện đã có trên 40 lớp học với hơn 30 bộ môn sẵn sàng chào đón các em đến sinh hoạt trong dịp hè. Ngày 25/5/2018, Cung Thanh thiếu nhi đã tổ chức ra mắt câu lạc bộ nghệ thuật đường phố, đây là sân chơi miễn phí dành cho tất cả các em ở lứa tuổi thanh, thiếu nhi.

Một sân chơi khác dành cho các em nhỏ phát triển toàn diện, đó là văn hóa đọc. Hệ thống thư viện của tỉnh hiện nay có 22 thư viện từ cấp tỉnh đến xã, 136 điểm văn hóa xã. Trong tháng 4/2018, Thư viện tỉnh đã được tiếp nhận xe thư viện lưu động, đây sẽ là một sân chơi đọc hiệu quả phục vụ các độc giả nhí, giúp khai thác hiệu quả vốn sách, báo của thư viện, đưa công nghệ thông tin đến gần với nhân dân và các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh… Cùng đó, phòng đọc cho các em thiếu nhi tại Thư viện tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp khang trang, thu hút ngày càng đông trẻ em đến đọc sách.

te
Các em nhỏ học bơi tại Cung Thanh thiếu nhi tỉnh

Nỗ lực của doanh nghiệp, cộng đồng

Trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động đầu tư xây dựng mới khu vui chơi, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cho thiếu nhi. Điển hình là những khu vui chơi như: Đồng Tiến; Candy Land; Dream Land (thành phố Lạng Sơn)… Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên, hơn 90% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có bể bơi. Ví dụ như các bể bơi: Thiên Đường (huyện Văn Lãng); Thắng Tiên, Bình Gia (huyện Bình Gia); Thiên Trường, Sơn Hải, Thu Thủy, bể bơi ở Cung Thanh thiếu nhi, bể bơi thông minh tại sân vận động Đông Kinh và trong các trường học trên địa bàn tỉnh…

Ngoài những sân chơi kể trên, vào các buổi tối tại Quảng trường Hùng Vương, khu vực công viên Chi Lăng, bên cạnh những đồ chơi cầu trượt, xích đu được nhà nước đầu tư phục vụ nhân dân miễn phí, nhiều cơ sở đã vận chuyển các phương tiện vui chơi di động như: ô tô, con thú điện, cùng các trò chơi câu cá, xúc cát, tô tượng… cho thuê để phục vụ các cháu nhỏ. Những sân chơi này đã đáp ứng một phần nhu cầu vui chơi, rèn luyện thân thể, sức khỏe cho thanh, thiếu nhi.

Bên cạnh đó, tại các huyện cũng có một số tổ chức, cá nhân tự thành lập các nhóm, lớp học năng khiếu như: tại huyện Đình Lập có lớp học võ và lớp học bóng bàn, cầu lông; huyện Chi Lăng có các lớp học bóng đá, võ thuật; huyện Lộc Bình có lớp học hát dân ca: then, sli, slắng cọ… do Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện tổ chức, đã bắt đầu thu hút học sinh tham gia.

Lời kết

Hiện nay, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp mặc dù đã cố gắng tạo ra nhiều điểm vui chơi nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ em vì vào ngày lễ hoặc ngày cuối tuần, trẻ em tập trung đông ở những điểm vui chơi nên thường xảy ra tình trạng quá tải. Mặt khác, thực trạng thiếu sân chơi dành riêng cho trẻ em ở các huyện, xã thực sự là vấn đề nan giải và cần được các cấp, ngành, toàn xã hội quan tâm hơn nữa để trẻ em của tỉnh đều được vui chơi và có sân chơi riêng của mình trong dịp hè.

Nguồn: baolangson.vn