Skip to main content
Ban biên tập | 21 September 2018

          Nhà Nhân ái Lào Cai được các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế đánh giá là một mô hình điển hình về cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về một cách toàn diện, bền vững, mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

          Là một trong những điểm nóng về mua bán người, bên cạnh công tác phòng, chống, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã làm tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

          Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai cho biết, việc ra đời của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản dưới Luật có hiệu lực đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lào Cai đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 92/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 thay thế Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 25/12/2009 về Quy chế phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho phù hợp với Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản dưới Luật cũng như phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

          Đồng thời tham mưu tiếp nhận các nguồn lực từ các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ như Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Tổ chức Vòng tay Thái Bình (PALS) trong công tác phòng, chống mua bán người; tổ chức 3 lớp nâng cao năng lực cho 120 cán bộ cơ sở; 3 lớp tập huấn về kỹ năng sống cho 180 lượt nạn nhân bị mua bán trở về; biên tập, phát hành 6.500 cuốn sổ tay những bài học từ câu chuyện thực tế về nạn mua bán người; thiết kế 20 pa nô, 10.000 tờ rơi phòng, chống mua bán người và tuyên truyền đường dây nóng 18001567. Triển khai, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh thực hiện các Nghị định, thông tư hướng dẫn mới về Luật phòng, chống mua bán người…

          Giai đoạn 2016-2018, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận và hỗ trợ nhu cầu thiết thiết yếu, chi phí đi lại, chuyển tuyến an toàn cho 237 nạn nhân, khám chữa bệnh cho 150 nạn nhân, trợ giúp pháp lý cho 51 nạn nhân, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 80 nạn nhân; hỗ trợ học nghề cho 40 nạn nhân (nguồn kinh phí hỗ trợ chủ yếu do tài trợ của dự án IOM và PALS). 

          Lào Cai cũng hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Vòng tay Thái Bình phát huy hiệu quả mô hình Nhà Nhân ái. Từ khi triển khai đến nay Nhà Nhân ái Lào Cai đã tiếp nhận 188 nạn nhân, đã tái hòa nhập cộng đồng cho 165 nạn nhân, hiện tại Nhà Nhân ái còn 23 nạn nhân đang lưu trú học văn hóa và học nghề. Các gói dịch vụ được cung cấp tại nhà Nhân ái thật sự có hiệu quả, 100% nạn nhân tại nhà Nhân ái đều được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, học văn hóa học nghề và được trang bị các kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng, 80% nạn nhân khi tái hòa nhập cộng đồng đều có cuộc sống ổn định. Nhận thức của người dân trong cộng đồng được nâng cao hơn hẳn so với trước khi có dự án.

          Nhà Nhân ái được các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế đánh giá là một mô hình điển hình về cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về một cách toàn diện, bền vững, mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

          Bên cạnh đó, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Vòng tay Thái Bình trao 259 gói hỗ trợ thiết yếu cho Nhà Nhân ái và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bước đầu, bao gồm 130 gói hỗ trợ thiết yếu cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và 129 gói cho Nhà Nhân ái. Đây là hoạt động rất thiết thực, mang tính nhân văn cao, giúp cho các nạn nhân cảm thấy an tâm, thoải mái hơn trong những ngày đầu khi mới được giải cứu. Bên cạnh đó, trao thưởng cho 81 người dân có công tố giác tội phạm, giải cứu 83 nạn nhân bị mua bán trở về, đây là hoạt động rất thiết thực, khuyến khích, động viên kịp thời người dân tham gia trong công tác đấu tranh phòng, chống nạn mua bán người.

          Theo ông Nguyễn Tường Long, khi thực hiện chính sách hỗ trợ nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn. Một số vùng sâu vùng xa nhân dân vẫn chưa được cập nhật đầy đủ thông tin về nguyên nhân, thủ đoạn của kẻ mua bán người, thiếu kiến thức về đi làm ăn xa an toàn. Công tác rà soát, nắm bắt, thống kê và thông tin báo cáo về nạn nhân bị mua bán còn nhiều bất cập.

          Việc hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, nạn nhân là phụ nữ trẻ em khi hồi hương trở về còn mặc cảm, sợ bị trả thù nên không ra khai báo với chính quyền địa phương. Một số em khi trở về muốn đi học nghề nhưng gia đình không cho đi vì sợ lại bị mất con. 

          Cơ chế chính sách bộc lộ nhiều bất cập, khó thực hiện tại cộng đồng hoặc có thực hiện nhưng không có hiệu quả. Ví dụ, kinh phí hỗ trợ khám chữa bệnh cho nạn nhân còn thấp (50.000 đồng/nạn nhân theo Thông tư liên tịch số 34/2013/TTLT/BTC-BLDTBXH) nên nhiều nạn nhân khi về bị bệnh nặng không được khám và điều trị kịp thời.

          Thông tư liên tịch số 34/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH quy định chỉ có nạn nhân là người chưa thành niên thì cơ quan, đơn vị giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ cử cán bộ đưa nạn nhân về nơi cư trú, những trường hợp khác được chi trả tiền để tự về theo giá vé công cộng. Tại Lào Cai tháng 5/2014 có 2 nạn nhân là người Lào trên 18 tuổi bị một đối tượng tại Lào Cai lừa bán sang Trung Quốc, khi được giải cứu trở về theo quy định họ chỉ được hỗ trợ tiền xe theo mức công cộng để trở về Lào (gia đình họ không có ai sang đón), bản thân họ không biết nói tiếng việt, họ cũng không biết đường đi, nếu không có người đưa về thì dễ có khả năng họ bị lạc và có thể bị tái mua bán trở lại, nhưng nếu đưa họ về thì không có kinh phí, đây là một khó khăn vướng mắc của Lào Cai. 

          Theo Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Lào Cai, để công tác phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn nữa .

          Ông Long cũng đề xuất bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 34/2013/TTLT/BTC-BLDTBXH như: Đối với những nạn nhân là người nước ngoài thì bố trí cán bộ đưa nạn nhân ra tới sân bay hoặc của khẩu tiếp giáp với nước của họ. Đối với những nạn nhân bị sang chấn tâm lý hoặc có biểu hiện tâm thần mà gia đình hoàn cảnh khó khăn không đến đón được thì cơ quan, đơn vị giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ cử cán bộ đưa họ về nơi cư trú; Đối với những nạn nhân bị ốm nặng, bị thương khi mới trở về phải đến điều trị tại các cơ sở y tế  mà không có tiền, gia đình không đến được thì được cơ sở hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả; nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ học văn hóa một lần, mức hỗ trợ giống như mức hỗ trợ đối với học sinh thuộc hộ nghèo.

          Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra thanh tra để phát hiện, ngăn chặn xử lý các Trung tâm, văn phòng môi giới hoạt động trái phép, lợi dụng chủ trương chính sách của nhà nước để mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

          Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống mua bán người trong cộng đồng dân cư, tạo điều kiện giúp đỡ trẻ em bị mua bán trở về được tiếp tục học tập, học nghề ổn định cuộc sống, cảnh giác để không bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt.

Nguồn: tiengchuong.vn