Skip to main content
Ban biên tập | 21 September 2018

Việt nam có đường biên giới, bờ biển dài khoảng 7.927 km, với nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, lối mở và hàng nghìn đường mòn có thể qua lại biên giới; tuyến biển có các cửa khẩu cảng biển và hàng trăm cửa sông, cửa lạch, với trên hai nghìn đảo lớn nhỏ. Những điều kiện trên thuận lợi cho phát triển kinh tế, tuy nhiên kéo theo đó là hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em diễn ra phức tạp.

Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, hiện nay, tội phạm mua bán người hoạt động “sôi nổi” nhất trên 4 tuyến biên giới đất liền và biển, đảo.

Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc được xác định là tuyến trọng điểm về hoạt động của tội phạm mua bán người (TPMBN), tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lào Cai. Địa bàn biên giới vừa là địa bàn các đối tượng tuyển mộ, lừa gạt, chứa chấp nạn nhân vừa là địa bàn trung chuyển, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân qua biên giới. Nguyên nhân do mất cân bằng giới tính, nhu cầu lao động, nhất là lao động nữ phục vụ trong các cửa hàng dịch vụ nhạy cảm, gội đầu, massage, mại dâm…

Bên cạnh đó, do tác động của chính sách dân số, tỉ lệ nam nữ trong dân số Trung Quốc ở một số nơi không cân đối nên một số nam giới Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm phụ nữ Việt Nam làm vợ. Từ đặc điểm rất đặc thù này đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người qua biên giới đã hình thành các đường dây xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong nội địa, đối tượng ở khu vực biên giới và đối tượng ở phía ngoại biên đối diện để lừa gạt phụ nữ, trẻ em gái từ địa bàn các tỉnh nội địa như: Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh miền Tây Nam bộ đưa qua biên giới bán cho người Trung Quốc.

Nạn nhân bị mua bán với nhiều mục đích khác nhau, song chủ yếu nhằm bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật, nhiều nạn nhân bị bán sâu vào các địa bàn nội địa của Trung Quốc nên việc giải cứu nạn nhân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã phát hiện một số đối tượng người Việt Nam câu kết với đối tượng ở nước ngoài tuyển mộ, vận chuyển phụ nữ quốc tịch Indonesia quá cảnh qua Việt Nam để đưa đi Trung Quốc. 

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, trong những năm qua do lực lượng chức năng tập trung đấu tranh mạnh, kết hợp với việc Chính phủ Lào có nhiều chủ trương biện pháp kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ kinh doanh liên quan đến tệ nạn xã hội và có sự hợp tác chặt chẽ hiệu quả giữa các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới hai nước trong tuần tra, kiểm soát biên giới, phòng, chống tệ nạn xã hội và PCMBN qua biên giới. Tuy nhiên, hoạt động của TPMBN vẫn diễn ra, các đối tượng chủ yếu lừa gạt nạn nhân bán cho các chủ khai thác mỏ, các dịch vụ nhạy cảm hoặc vận chuyển đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm để bóc lột tình dục hoặc ép làm vợ, tập trung tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng bình, Quảng Trị.

Tại tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, các đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người ở khu vực phía Bắc hoặc ở Trung Quốc, móc nối với các đối tượng ở các tỉnh phía Nam để tuyển mộ, lừa gạt nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái mới lớn. Chúng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, thiếu công ăn việc làm hoặc nhu cầu lấy vợ ở Trung Quốc, nhu cầu lao động của các động mại dâm ở Campuchia hay Trung Quốc để đưa nạn nhân bán nhằm mục đích bóc lột tình dục, hôn nhân bất hợp pháp, tập trung chủ yếu các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Gia Lai. Thời gian gần đây đã phát hiện một số đối tượng người Việt Nam câu kết với đối tượng ở nước ngoài tuyển mộ, vận chuyển phụ nữ quốc tịch Campuchia quá cảnh qua Việt Nam để đưa sang Trung Quốc. 

Với tuyến biên giới biển, đảo, hiện tượng phụ nữ vắng nhà lâu ngày không rõ nguyên nhân đã diễn ra khá nhiều, qua công tác điều tra, xác minh kết luận: Một số trường hợp đã bị đối tượng lừa gạt, bán ra nước ngoài hành nghề mại dâm hoặc lấy chồng người nước ngoài, xảy ra chủ yếu ở các địa bàn Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; chỉ đến khi các nạn nhân báo cho Bộ đội biên phòng để được giải cứu hoặc tự trở về, khai báo mới phát hiện mình bị lừa bán. Thời gian gần đây, lợi dụng tình trạng thiếu lao động làm việc trên các tàu cá, các đối tượng quảng cáo, tiếp cận, tuyển mộ, dụ dỗ, người có nhu cầu việc làm, đưa xuống các xã ven biển, khống chế, đe dọa, viết giấy vay nợ hoặc giấy cam kết tự nguyện làm việc trên tàu, yêu cầu nạn nhân ký, để lừa gạt, bắt buộc nạn nhân phải làm việc cho chúng để trả nợ, nhằm mục đích bóc lột sức lao động. 

Nguồn: tiengchuong.vn