Skip to main content
Ban biên tập | 14 September 2018

          Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trong cả nước. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số chị em, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, bọn tội phạm đã dụ dỗ, lôi kéo và lừa bán họ để trục lợi, gây tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

          Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về mang lại hiệu quả rõ nét.

          Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện, tình hình của từng địa phương, từng vùng miền như: đối thoại chính sách, truyền thông phổ biến và tư vấn pháp luật lưu động, sân khấu hóa, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, tổ chức các chiến dịch truyền thông chung giữa các tỉnh giáp biên giới, mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống MBN (30/7)…; xây dựng video clip tuyên truyền, tổ chức triển lãm ảnh, các hội thi, cuộc thi dành cho tuyên truyền viên, hội viên, phụ nữ và các em học sinh, diễn đàn về quyền của phụ nữ - trẻ em trong phòng, chống mua bán người thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia. Đặc biệt, một số nơi tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín như già làng, trưởng bản, trưởng họ để tuyên truyền, đồng thời tạo điều kiện để những nạn nhân bị mua bán trở về tham gia sinh hoạt tại các nhóm “đồng đẳng”, “tự lập” chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau và một số nạn nhân chính là các hạt nhân trực tiếp tham gia tuyên truyền trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, huyện xây dựng và thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống mua bán người nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người dân kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến dấu hiệu mua bán người; xây dựng các bản tin, các thông điệp về phòng, chống mua bán người phát định kỳ trên hệ thống phát thanh cơ sở để người dân nắm rõ pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.

          Một trong những điểm mạnh của các cấp Hội trong truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ, người dân trong cộng đồng chính là việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, diễn tập, xử lý tình huống về phòng, chống mua bán người. Từ năm 2012 - 2017, Trung ương Hội cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ và Ban chỉ đạo 138 của 16 tỉnh tổ chức 45 chiến dịch truyền thông cộng đồng với sự tham gia của 44.100 người dân; tổ chức truyền thông tham vấn cộng đồng về nhận diện các thủ đoạn hành vi và hậu quả của mua bán người, di cư an toàn cho 1.500 phụ nữ của 30 xã thuộc 15 tỉnh, thành. Hội Liên hiệp phụ nữ cấp địa phương tổ chức 130 ngàn cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người với sự tham gia của gần 12,5 triệu lượt người. Thông qua công tác truyền thông, cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trong cộng đồng đã có những thay đổi trong nhận thức về kiến thức và kỹ năng, bước đầu tạo sự chuyển biến về hành động trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

          Bên cạnh công tác truyền thông, các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật về phòng, chống mua bán người được các cấp Hội đẩy mạnh thông qua ký kết các chương trình phối hợp với ngành tư pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp lý cho người tạm trú tại Nhà bình yên. Trung tâm Phụ nữ và phát triển đã ký văn bản phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam để hỗ trợ tư vấn pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về; Kiện toàn, thành lập Trung tâm tư vấn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ kết hôn. Từ năm 2012 - 2017, các Trung tâm tư vấn của 15 tỉnh/thành Hội đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 695.000 lượt hội viên, phụ nữ, trẻ em về những vấn đề liên quan , trong đó có phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, Hội phụ nữ 02 tỉnh Hà Giang, Nghệ An đã phối hợp với Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và các huyện mở 10 cuộc xét xử lưu động tội phạm mua bán người tại địa bàn dân cư, các thôn, bản, ấp với sự tham gia của 11.500 lượt người để tuyên truyền, giáo dục răn đe ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

          Song song với công tác truyền thông và tư vấn, trợ giúp pháp lý, các cấp hội cũng chú trọng đến việc dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hoà nhập cộng đồng an toàn và bền vững. Hệ thống các Trung tâm dạy nghề, Phòng tư vấn của Hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố đã có nhiều hoạt động can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tăng thu nhập lồng ghép trong các chương trình phòng, chống mua bán người.

          Trung ương Hội đã vận động các nguồn tài trợ để thực hiện thành công mô hình Ngôi nhà bình yên/Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những Trung tâm này đã tiếp nhận, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho 649 trường hợp, trong đó có 405 nạn nhân bị mua bán đến từ 49 tỉnh, thành phố và từ 17 dân tộc. Sau khi được tiếp nhận vào trung tâm, các em được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe và đi học nghề may, thêu, uốn tóc, làm móng, kết cườm v.v... Các Trung tâm đã làm thủ tục cho 385 trường hợp hồi gia trở về gia đình. Hầu hết chị em đã hoà nhập cộng đồng tốt, có việc làm ổn định, một số đã lập gia đình. Bên cạnh đó, các cấp hội của 19 tỉnh, thành đã hỗ trợ vay vốn, thiết bị làm nghề cho 163 nạn nhân trở về sinh sống tại địa phương với số tiền trên 1 tỷ đồng; dạy nghề cho hơn 96.000 lượt đối tượng nguy cơ cao, nạn nhân bị mua bán, tư vấn và giới thiệu việc làm cho gần 110.000 lượt chị.

          Giai đoạn 2012-2017, Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm phụ nữ và phát triển đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 181 nạn nhân, trong đó, 98 lượt người được học nghề, 38 người có việc làm ổn định, một số người làm việc tại các khách sạn 5 sao, có thu nhập tốt, 10% nạn nhân tự mở cơ sở kinh doanh riêng (làm nước mía, làm móng, tóc, làm may, mở cửa hàng tạp hóa …). Trung tâm đã xem xét hỗ trợ 30 gói phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho 30 nạn nhân dựa trên khả năng của từng người như hỗ trợ phương tiện để đi làm (xe đạp), dụng cụ thực hành nghề (làm tóc, sản xuất nước mía, máy may công nghiệp, máy vi tính…); chăn nuôi, sản xuất (cây giống, con giống...).

          Với những hoạt động và kết quả đã đạt được, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng./.

Nguồn: pctnxh.molisa.gov.vn