Skip to main content
Ban biên tập | 13 September 2018

Ngày 23/8/2018, tại Hà Nội, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người, giai đoạn 2012 - 2017. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cùng các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì hội nghị. Tham dự phiên giải trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng Tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện các Ủy ban của Quốc hội và một số địa phương có liên quan.

Mua bán người là loại tội phạm ẩn, khó phát hiện và xử lý

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có chiều hướng phức tạp, không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới mà đã trải rộng trên phạm vi cả nước, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật, bên cạnh kết quả đã đạt được thì cũng còn những hạn chế, bất cập.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận hơn 1 nghìn tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, với 2.035 bị can, chiếm 97,3% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý. Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn, kể cả đến khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng, bởi đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài không thể xác minh; chứng cứ ít, chủ yếu là căn cứ vào lời khai, tin tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân. Do đó, phòng chống mua bán người đã và đang gặp khó khăn, vướng mắc trên nhiều mặt và xảy ra trên các địa bàn từ khu vực nông thôn đến miền núi, vùng sâu, xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Theo thống kê, tình hình mua bán người xảy ra ở cả trong nước (bán vào nhà hàng, quán karaoke, cà phê trá hình, massage…) và nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ), tập trung chủ yếu qua biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó, qua biên giới Trung Quốc chiếm tới 75%. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là hơn 3 nghìn người, số đã trở về là hơn 2.500, còn trên 500 người chưa trở về.

Việc điều tra tội phạm mua bán người thường tổ chức truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về và có đơn trình báo, đối tượng và hành vi phạm tội mới bị phát hiện, điều tra. Đối với những vụ án mua bán người, đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội, có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng nhưng chưa giải cứu được nạn nhân, tức không có lời khai bị hại, hoặc nạn nhân chưa tố giác, các cơ quan tố tụng cho rằng chưa đủ chứng cứ để khởi tố điều tra và xử lý đối tượng.

Đối với những vụ án mua bán người tuy chưa giải cứu được nạn nhân nhưng đã rõ đối tượng, có đủ chứng cứ về hành vi mua bán người của đối tượng, Bộ Công an đề nghị TANDTC chủ trì hoặc thống nhất với VKSNDTC và Bộ Công an có văn bản hướng dẫn địa phương tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố xét xử vụ án và các đối tượng này.

MBN

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trả lời ý kiến tại phiên giải trình

Cần quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền có hiệu quả

Tại phiên giải trình, các đại biểu tham dự đã nêu câu hỏi và trao đổi làm rõ vấn đề về kết quả, những hạn chế, khó khăn và thực trạng tình hình nạn nhân bị mua bán và tội phạm mua bán người hiện nay; công tác đấu tranh phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Trả lời ý kiến các đại biểu liên quan tới lĩnh vực của ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhiệm vụ chủ yếu của ngành LĐTBXH là ở tuyến 2, tức là tuyến hỗ trợ, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.

Theo Bộ trưởng Dung, nguyên nhân dẫn đến bị lừa gạt, mua bán người do một bộ phận người dân còn đói nghèo, thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp muốn có cuộc sống cao hơn; một số người trẻ tuổi ham làm giàu nhanh chóng; một số người ra nước ngoài bị lừa đảo do thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết; một số ít người đi xuất khẩu lao động thông qua con đường tu nghiệp sinh bị các trung tâm môi giới “ma” tổ chức đào tạo rồi đưa ra nước ngoài.

Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ (chiếm 97%), dưới góc độ bình đẳng giới, đây là “mảng tối” cần quan tâm. Các nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định pháp luật được lưu trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội với thời gian 60 ngày, tuy nhiên, thực tế nạn nhân chỉ ở một vài ngày rồi làm thủ tục trở về địa phương. Nguyên nhân là do tâm lý nạn nhân xa gia đình lâu ngày, lại được người thân hối thúc nên nhanh chóng làm thủ tục trở về. Chỉ rất ít trường hợp đặc biệt, không còn gia đình, người thân ở quê hương mới ở lại cơ sở.

Về kinh phí hỗ trợ mua bán người, giai đoạn 2016 -2020, kinh phí phòng, chống mua bán người của ngành LĐTBXH được bố trí trong chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội là 38 tỷ. Năm 2016 mới cấp 250 triệu đồng, năm 2017 cấp 3,8 tỷ đồng. Theo quy định, địa phương có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ mua bán người, Trung ương chỉ tập trung hỗ trợ cho các vùng trọng điểm làm thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận mức chi tiền ăn 30.000đ/ngày cho nạn nhân bị mua bán ở các cơ sở bảo trợ xã hội còn thấp so với thực tế, song so với các chế độ của các đối tượng bảo trợ xã hội khác và người cai nghiện ma túy thì không phải thấp nhất. Tuy nhiên, thời gian tới cần nghiên cứu nâng mức này lên.

Chia sẻ thêm về các giải pháp phòng ngừa mua bán người thời gian tới, Bộ trưởng Dung cho biết, Bộ đã đề nghị với 7 tỉnh phía Bắc ký biên bản ghi nhớ trực tiếp với các địa phương phía Trung Quốc để giải cứu, xác minh và tiếp nhận nạn nhân bị mua bán qua biên giới; cần coi trọng công tác tuyên truyền một cách đúng mức, có hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc coi trọng vấn đề phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, chống tái mù, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tạo sinh kế, việc làm ổn định, nhất là vùng đồng bào dân tộc ít người; triển khai các đề án phòng ngừa, dịch vụ xã hội tối thiểu đối với phụ nữ và trẻ em. Chấn chỉnh công tác đưa người đi lao động ở nước ngoài, trong đó, chú trọng rà soát, xử lý nghiêm các trung tâm môi giới thực tập sinh để ngăn chặn “hiểm họa” sau này.

Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trân trọng cảm ơn những ý kiến nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu tham dự phiên họp. Đồng thời, bà Lê Thị Nga khẳng định: mua bán người là vấn đề mang tính thời sự, có tính chất toàn cầu, thực trạng mua bán người diễn biến rất phức tạp, do đó, sau phiên họp này, Ủy ban Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo kết quả phiên giải trình và kiến nghị cụ thể gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm tiếp tục thực tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về vấn đề trên./.

Nguồn: pctnxh.molisa.gov.vn