Skip to main content
Ban biên tập | 4 July 2018

          Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế xã hội và hệ thống an sinh xã hội nói chung, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã và đang phát triển mạnh, tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng cao, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) thông qua BHYT ngày càng được đảm bảo, phát huy hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; Do vậy việc duy trì sự bền vững nguồn tài chính của quỹ BHYT gắn với nâng cao chất lượng KCB có vai trò rất quan trọng trong sự thành công của chính sách BHYT trong giai đoạn mới.

BHXH

          Từ năm 2015, thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh, cùng với rất nhiều những thay đổi về quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như thay đổi về chính sách viện phí làm cho chi phí KCB BHYT trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng rất nhanh: năm 2014 tại các cơ sở KCB trong tỉnh có 891.00 lượt người KCB với số tiền là trên 171 tỷ, thì năm 2017 có số lượt KCB là 1.050.000 lượt với số tiền chi là 470 tỷ đồng (số lượt tăng 18 %; số tiền tăng 175%), rất nhiều bệnh nhân có chi phí thanh toán từ quỹ BHYT hàng trăm triệu đồng/năm, trong khi mức đóng BHYT khá thấp do trên địa bàn tình có trên 90% số người tham gia BHYT chỉ đóng theo mức lương cơ sở, bình quân mức đóng/thẻ chỉ khoảng 700.000 đồng/người/năm, đồng nghĩa với nguồn quỹ BHYT bình quân/thẻ cũng thấp chỉ khoảng trên 600.000 đồng/người/năm.

           Vấn đề đặt ra trong công tác quản lý giai đoạn hiện nay là: “phải quản lý tốt nguồn quỹ KCB BHYT đồng thời vẫn nâng cao chất lượng KCB đảm bảo quyền lợi cho người bệnh”. Nghe như vậy có vẻ như có sự mâu thuẫn, làm được việc này sẽ không được việc kia (quản lý chặt nguồn quỹ thì quyền lợi bệnh nhân bị hạn chế hoặc đảm bảo quyền lợi thì quỹ BHYT bị bội chi…), tuy nhiên trên thực tế không phải hoàn toàn như vậy, nếu có nhận thức đúng, có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, nhiều ngành, kể cả từ phía người có thẻ BHYT thì nguồn quý BHYT vẫn được sử dụng tiết kiệm và  hiệu quả:

Thứ nhất, chi phí tiền giường bệnh mà Bảo hiểm xã hội thanh toán cho cơ sở KCB là rất cao, theo thống kê năm 2017 trên địa bàn tỉnh chi phí tiền giường bệnh chiếm 40% tổng chi phí điều trị nội trú, cao hơn gấp đôi so với chi phí tiền thuốc điều trị cho người bệnh (tiền giường cao gấp 1,1 lần tiền thuốc), chi phí 01 ngày điều trị bình quân trên 100.000 đồng đến 200.00 đồng. Việc các cơ sở KCB có các giải pháp giảm chi tiền giường rất có ý nghĩa trong công tác quản lý quỹ BHYT, trong khi không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, vì trên thực tế có một số chi phí tiền giường bệnh vẫn có thể giảm được: Bác sĩ cân nhắc kỹ trong việc chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú, một số trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh thông thường, mức độ bệnh nhẹ, hàng ngày chỉ cần đến tiêm thuốc, thực hiện dịch vụ kỹ thuật...không cần thiết phải nằm điều trị nội trú để theo dõi, đặc biệt là bệnh nhân có nơi cư trú đi lại thuận lợi thì cơ sở KCB có thể cho bệnh nhân điều trị ngoại trú; hoặc bệnh nhân có chỉ định điều trị nội trú sau thời gian điều trị ổn định có thể chuyển ra điều trị ngoại trú cho hết đợt điều trị… như vậy để giảm chi phí tiền giường bệnh sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho quỹ BHYT để chi vào các nội dung khác cho người bệnh có thẻ BHYT.

          Thứ hai, hiện nay các trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, có rất nhiều các thiết bị khác nhau, ngay cả cùng một loại thiết bị cùng 1 lúc có thể làm được rất nhiều các chỉ số khác nhau, hỗ trợ rất tốt cho Y, Bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị, tuy nhiên nếu chỉ định tràn lan, kể các chỉ số không cần thiết thì cũng rất lãng phí, do vậy nếu Bác sĩ khi thăm khám mà có những cân nhắc kỹ trong chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật..chỉ chỉ định thực hiện các chỉ số cần thiết phục vụ cho việc thăm khám, chẩn đoán, theo dõi diễn biến của người bệnh, thay vì chỉ định tất cả các chỉ số..thì cũng giảm chi rất nhiều cho quỹ BHYT hoặc tiền túi của người bệnh.

          Thứ ba, lâu nay nhiều người vẫn có suy nghĩ thuốc đắt tiền là tốt, nhưng không hẳn như vậy, vì có những yếu tố làm cho giá thành thuốc tăng, khi sử dụng gây lãng phí nguồn quỹ BHYT hoặc tiền túi của người bệnh nhưng chất lượng không hẳn đã là tốt tương xứng với giá trị thực, ví dụ có một số loại thuốc có dạng bào chế, hàm lượng hoặc quy cách đóng gọi đặc biệt hơn các loại thuốc cùng loại thông dụng từ trước, trong khi giá thành rất cao dẫn đến không có tính cạnh tranh trong đấu thầu do chỉ có duy nhất 01 mặt hàng đó có dạng bào chế, quy cách đóng gói, hàm lượng đó nên dù giá cao nhưng vẫn trúng thầu do không có bất kỳ mặt hàng nào khác cạnh tranh, vì vậy nếu làm tốt công tác đấu thầu không đưa vào danh mục đấu thầu các thuốc đó thì nguồn quỹ vẫn tiết kiệm được nhiều khoản chi, trong khi người bệnh vẫn được sử dụng thuốc đẫy đu đảm bảo chất lượng..

          Thứ tư, việc quản lý quỹ BHYT không có nghĩa là hạn chế các cơ sở KCB phát triển dịch vụ kỹ thuật mới: Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao quỹ cho các địa phương bao gồm toàn bộ chi phí cho bệnh nhân do địa phương đó phát hành, gồm cả đi KCB trong tỉnh và chuyển đi tuyến trung ương và các địa phương khác, trên thực tế hiện nay chi phí đa tuyến chuyển đi của Lạng Sơn vẫn rất cao chiếm 28 - 30% tổng nguồn quỹ KCB của toàn tỉnh, vì vậy nếu trên địa bàn tỉnh có phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, thì nhiều bệnh nhân sẽ không phải chuyển lên tuyến trên để điều trị, khi đó sẽ giảm chi đa tuyến và sẽ tăng quỹ được sử dụng tại các địa bàn trong tỉnh.

Thứ năm, chủ trương nâng cao chất lượng và phát triển y tế tuyến cơ sở cũng rất có ý nghĩa trong công tác quản lý quỹ BHYT và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người có thẻ BHYT: Từ năm 2017 đến nay, Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn đã có chủ trương phát triển mạnh y tế cơ sở như: Đề án chuyển giao người bệnh mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường..về điều tại tuyến cơ sở; triển khai thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình, giải thể một số phòng khám đa khoa khu vực chuyển sang mở rộng KCB tại Trạm y tế xã… điều đó cùng lúc giải quyết được rất nhiều vấn đề: các trạm y tế tuyến xã được trang bị thêm các trang, thiết bị để đáp ứng yêu cầu, về phía cán bộ y tế xã cũng được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ các quy trình chẩn đoán, theo dõi, điều trị các bệnh đó cũng góp phần nâng cao trình độ chuyên môn về mọi mặt cho cán bộ y tế tuyến cơ sở; người bệnh thì không phải đi lại tốn kém, mà vẫn được KCB ngay tại địa phương; quỹ BHYT cũng được giảm chi do mức giá viện phí tại tuyến xã cũng thấp hơn..

          Tất cả các nội dung nói trên nếu được mỗi người quan tâm, hiểu thấu đáo và thực hiện đúng thì nguồn quỹ BHYT sẽ được sử dụng rất có hiệu quả, nguồn quỹ BHYT được bền vững, quền lợi người bệnh vẫn luôn được đảm bảo.

          Năm 2018, thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 804/QĐ-UBND ngày 28/4/2018 giao dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh, trong đó giao trách nhiệm cho các ngành Bảo hiểm xã hội, Ngành Y tế và đặc biệt là thủ trưởng các cơ sở KCB trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ được phân bổ đồng thời phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, chúng tôi viết bài viết này tin tưởng rằng với những quan điểm, nhận thức đúng trong việc giao quỹ KCB BHYT cũng như tổ chức thực hiện KCB cho người có thẻ BHYT trong tình hình hiện nay của mỗi cán bộ ngành y tế cũng như ngành Bảo hiểm xã hội  cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành thì năm 2018 và những năm tiếp theo Lạng Sơn năm 2018 sẽ đảm bảo cân đối và sử dụng quỹ BHYT trong phạm vi nguồn quỹ được Thủ tướng Chính phủ giao và chất lượng KCB vẫn được nâng lên, đảm bảo tốt mọi quyền lợi cho người có thẻ BHYT./.

NVH