Skip to main content
Ban biên tập | 21 August 2018

          Sáng ngày 16/8/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) đã Tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam”. Dự hội thảo, có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, bà Lesley Miller-Phó trưởng Đại diện UNICEF, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) Đặng Hoa Nam; đại diện các cơ quan các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan đồng thực hiện dự án.

te
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo

          Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Hơn 40 năm qua, cùng chung quan điểm là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ UNICEF để góp phần thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận, trân trọng những đóng góp và hỗ trợ của UNICEF thông qua việc: (i) Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990; (ii) triển khai các chương trình về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, nước sạch,... nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về trẻ em; (iii) xây dựng, sửa đổi, bổ sung, theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, đặc biệt là Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em; (iv) xây dựng, kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em và từng bước kiện toàn các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em, thúc đẩy xây dựng Tòa án gia đình và người chưa thành niên; (v) thiết lập hệ thống đánh giá vấn đề nghèo đa chiều ở trẻ em Việt Nam; (vi) đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao, ghi nhận và trân trọng những đóng góp của UNICEF với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 6 nội dung trên trong việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam.

te

Bàn chủ tọa

          Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ thêm: Khuôn khổ pháp luật quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em còn những khoảng trống, như việc quy định độ tuổi của trẻ em (UNICEF đã đặt ra vấn đề này trong nhiều lần làm việc với Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH); Thiếu các tiêu chuẩn, quy định và quy trình liên ngành cho một hệ thống chăm sóc toàn diện, từ khâu ngăn ngừa, phát hiện sớm, báo cáo, can thiệp, chuyển tuyến cho đến các dịch vụ phục hồi chức năng, dịch vụ chuyên biệt và theo dõi, hỗ trợ lâu dài cho trẻ em; Hạn chế về tính đồng bộ, thống nhất các thông tin, số liệu về quyền trẻ em giữa các bộ, ngành cũng là một trở ngại lớn cho công tác theo dõi đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em; Việc phân bổ và sử dụng nguồn lực cho việc thực hiện quyền trẻ em còn hạn chế. Điều này chúng ta thấy rõ trong thời gian qua xảy ra từ cả trung ương và địa phương, gây trở ngại cho việc xây dựng luật pháp, chính sách trong thời gian qua. Do vậy, thời gian tới chúng ta cần thúc đẩy việc thu thập hệ thống số liệu một cách chính xác để có thể xây dựng luật pháp, chính sách về trẻ em hiệu quả hơn. Chỉ khi chúng ta có số liệu, luật pháp, chính sách hiệu quả thì mới có thể huy động các nguồn lực trong xã hội dành cho công tác trẻ em. Việc bố trí nguồn lực dành cho công tác trẻ em cả về ngân sách và nhân lực trong thời gian qua còn thiếu rất nhiều ở các địa phương. Điều này đã được khẳng định rõ trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 06/8/2018 vừa qua. Có những địa phương trong vài năm không bố trí kinh phí hoặc bố trí rất ít kinh phí cho công tác trẻ em. Nhận thức, kiến thức và năng lực cộng đồng nói chung về thực hiện quyền trẻ em và tham gia giải quyết các vấn đề của trẻ em vẫn còn hạn chế. Tại Hội nghị trực tuyến vừa qua, các ý kiến của các chuyên gia, luật sư, cán bộ các cơ sở cũng đã nói đến hạn chế này đầu tiên, cần có các biện pháp truyền thông một cách hiệu quả, đổi mới để phù hợp với các đối tượng. Đã có đại diện một phóng viên phát biểu tại Hội nghị. Tôi tin rằng trong thời gian tới các hoạt động truyền thông sẽ có hiệu quả hơn để vận động được các nguồn lực, các tầng lớp trong xã hội tham gia thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em.

te

Toàn cảnh hội thảo

          Cũng theo Thứ trưởng:  Để hiện thực hóa quyền trẻ em tại Việt Nam, việc giải quyết những vấn đề nêu trên là vô cùng cần thiết và có tính chiến lược lâu dài trong giai đoạn tới khi mà Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em cũng chính là góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề trẻ em nêu trên cũng sẽ góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 từ khía cạnh công bằng xã hội và quan trọng hơn là góp phần thực hiện đúng, có hiệu quả Luật trẻ em, để mọi người cùng quan tâm, thực hiện Luật. Dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam” hợp tác giữa Bộ LĐ-TBXH và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 320/QĐ-TTg năm 2018. Bộ LĐ-TBXH đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức UNICEF và các cơ quan đồng thực hiện để xây dựng hoàn thiện Văn kiện Dự án này.

          Dự án với mục tiêu chính nhằm góp phần xây dựng môi trường pháp luật, chính sách toàn diện có khả năng bảo vệ cho mọi trẻ em, cùng với cải thiện năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước đối với việc thực hiện quyền trẻ em Việt Nam. Các kết quả chính mà Dự án sẽ mang lại (chúng ta cần quan tâm đến việc theo dõi, tình hình thực hiện các kết quả này trong thời gian tới), đó là: (i) Xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật, chương trình nằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam và tăng cương công tác điều phối, theo dõi, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật, chương trình này; (ii) Đổi mới các biện pháp an sinh xã hội góp phần giải quyết vấn đề nghèo đa chiều và dễ bị tổn thương ở trẻ em Việt Nam; (iii) Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em bao gồm hệ thống và các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em; (iv) Phát triển và cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em; (v) Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức nhằm thay đổi các tập quán văn hóa xã hội, những thứ đang là rào cản cho sự phát triển của trẻ em, ảnh hưởng đến các điều kiện để thực hiện quyền trẻ em. Dự án này sẽ coi trọng việc hỗ trợ đối tượng trẻ em ở địa bàn cơ sở.

Nguồn: molisa.gov.vn