Skip to main content
Ban biên tập | 9 November 2023

Các cơ quan chức năng thu thập thông tin các trang web, các tài khoản, hội, nhóm trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật về mua bán người để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người trên không gian mạng.

cc

Ảnh minh họa

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), trong quý III/2023, tình hình tội phạm mua bán người nội địa và ra nước ngoài diễn biến phức tạp. 

Một số thủ đoạn phổ biến như các đối tượng sử dụng không gian mạng, lập các trang quảng cáo tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò tìm bạn, hội nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như quán karaoke, cắt tóc, massage… Đáng lưu ý, đã phát hiện vụ việc các đối tượng giả danh lực lượng chức năng để lừa bán nạn nhân giữa các cơ sở kinh doanh khác nhau.

Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Qua đó, lực lượng Công an toàn quốc trong 3 tháng qua (Quý III/2023) đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người. Phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ luật Hình sự. Xác định 224 nạn nhân bị mua bán.

Điển hình, vào ngày 4/7/2023, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hải Phòng giải cứu, tiếp nhận 2 nạn nhân nghi bị mua bán tại huyện Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng giải cứu, tiếp nhận 61 nạn nhân, người nghi là nạn nhân; tiến hành rà soát, sàng lọc 54 công dân có dấu hiệu bị mua bán do lực lượng chức năng của nước ngoài trao trả. Mô hình Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ tiếp tục tiếp nhận, hỗ trợ 54 trường hợp là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán trở về...

Bên cạnh việc tập trung tấn công trấn áp mạnh loại tội phạm mua bán người, lực lượng Công an, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người hướng đến cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người (phụ nữ, học sinh, sinh viên, người dân ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi...).

Điển hình: Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, các cơ quan chức năng của địa phương (Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ,...) tổ chức 21.398 buổi truyền thông (truyền thông lưu động, đối thoại, hội thi, truyền thông tại hộ gia đình) với hơn 1.130.000 lượt người dự; xây dựng gần 75.843 pano, áp phích, tờ rơi, đĩa hình, băng rôn... có nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tòa án nhân dân các cấp cũng đã kịp thời thụ lý, xét xử nghiêm khắc đối với loại tội phạm mua bán người, góp phần tạo sức răn đe chung đến toàn xã hội; đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 48 vụ, 139 bị cáo (so với cùng kỳ năm trước tăng 18 vụ và 68 bị cáo); đã giải quyết, xét xử 30 vụ với 77 bị cáo. Trong đó, có 7 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm; 28 bị cáo bị tuyên phạt tù từ 7 năm đến 15 năm...

Công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm” và bảo đảm các quyền của nạn nhân. Các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng phối hợp với cơ quan ngoại giao, LĐTB&XH, chính quyền địa phương... thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người tiếp tục được các bộ, ngành chú trọng, đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương. 

Sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người 

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 138/CP nhận định, tội phạm mua bán người với thủ đoạn dụ dỗ trực tuyến để “mời chào”, mua bán nạn nhân trên không gian mạng dự báo sẽ xảy ra nhiều hơn. Nạn mua bán người để ép buộc tham gia các đường dây lừa đảo trực tuyến sẽ chuyển từ xu hướng tội phạm khu vực sang mối đe dọa toàn cầu…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mua bán người, Ban Chỉ đạo 138/CP đề nghị các bBộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 28/KH-BCĐ ngày 24/1/2023 của Ban Chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền hướng đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người. 

Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn từ nội địa - khu vực biên giới - ngoại biên; thu thập thông tin các trang web, các tài khoản, hội, nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, Weibo, Telegram, Deepweb...) có dấu hiệu vi phạm pháp luật về mua bán người để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người trên không gian mạng.

Rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân trong số công dân bị cưỡng bức lao động do lực lượng chức năng các nước trao trả; tiếp tục triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người; xác lập, điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người trong nước và ra nước ngoài; kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội mua bán người theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an cũng cho biết, công tác nghiên cứu, xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đang được triển khai .Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đồng thời tổ chức lấy ý kiến của Công an các đơn vị, địa phương đối với nội dung dự án Luật.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều (tăng 04 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 5 điều, bỏ 01 điều. Theo đó, bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định về Phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua ban người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Nguồn: tiengchuong.chinhphu.vn