Skip to main content
Ban biên tập | 27 June 2018

          Những năm gần đây, hoạt động của tội phạm tiền giả ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, an ninh tiền tệ và an sinh xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Trước thực trạng trên, Công an tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

          Trung tá Phạm Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh (đơn vị thường trực trong đấu tranh phòng chống tội phạm tiền giả) cho biết: Tiền giả xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 1995, thời điểm đó chủ yếu là loại tiền mệnh giá 10.000, 20.000 và 50.000 đồng. Nguồn gốc tiền giả từ đó đến nay xác định vẫn là từ Trung Quốc. Từ khi Ngân hàng Nhà nước phát hành loại tiền polyme thì tiếp tục xuất hiện tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau. Những năm gần đây, tiền Việt Nam giả chủ yếu là loại mệnh giá 200.000 đồng/tờ. Các yếu tố làm giả ngày càng tinh vi, rất khó phân biệt giữa tiền giả và tiền thật. Thủ đoạn mua bán, vận chuyển, lưu hành tiền giả cũng ngày càng đa dạng, phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng.  

tp

Đối tượng vận chuyển tiền giả bị lực lượng công an bắt giữ

          Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình cũng như xác định những nguy cơ, tác hại khôn lường của tiền giả với an ninh tiền tệ và sự phát triển kinh tế – xã hội, Công an tỉnh đã tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tiền giả. Trong đó, tập trung trao đổi thông tin, phối hợp với các ngân hàng, kho bạc, các phòng, điểm giao dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiền Việt Nam và cách nhận biết. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đề cao cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm tiền giả tới các tầng lớp nhân dân.

          Cùng với đó, Công an tỉnh đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với tội phạm tiền giả. Đặc biệt là coi trọng điều tra mở rộng án nhằm triệt để đấu tranh xử lý, triệt xóa các đối tượng, đường dây, ổ nhóm vận chuyển, tiêu thụ tiền giả. Trong năm 2017, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 15 vụ, 18 đối tượng, thu giữ gần 1,7 tỷ đồng tiền Việt Nam giả. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng công an đã bắt 5 vụ, 6 đối tượng, thu giữ trên 533 triệu đồng tiền Việt Nam giả. Đáng chú ý, lực lượng công an đã kịp thời bắt giữ nhiều vụ với số lượng tiền giả lớn.

          Điển hình, ngày 18/9/2017, tại thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, lực lượng công an tỉnh bắt quả tang đối tượng Dương Văn Truyện, sinh năm 1976, trú tại xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đang vận chuyển 500 triệu đồng tiền Việt Nam giả. Ngày 15/3/2018, tại khu vực thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, lực lượng công an tỉnh phối hợp bắt 2 đối tượng: Phù Văn Bằng, sinh năm 1988 và Phù Văn Đồng, sinh năm 1986, cùng trú tại thôn Bản Tát, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng: thu giữ gần 195 triệu tiền Việt Nam giả.

          Qua thống kê phân tích của Công an tỉnh, trong các vụ án về tiền giả những năm gần đây, đối tượng phạm tội về tiền giả là người ngoài tỉnh chiếm 75%. Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm trung chuyển tiền giả từ Trung Quốc về các tỉnh phía sau tiêu thụ. Vì vậy, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các ngành, lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm vận chuyển, mua bán, lưu hành tiền giả nói riêng. Cùng đó, tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân cách nhận biết tiền giả; vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia tố giác tội phạm.

Nguồn: Baolangson.vn