Skip to main content
Ban biên tập | 28 February 2023

          Mỗi độ tháng 2 về, cùng với những nao nức tri ân và tôn vinh dành cho các Y, Bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành Y, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng có những lớp người với bao thế hệ lặng thầm làm việc, gắn bó với ngành Y, với người bệnh. Đó chính là những người cán bộ Giám định viên bảo hiểm y tế (BHYT), những người mặc blouse trắng của ngành BHXH Việt Nam. Họ chính là những người "Thầy thuốc thầm lặng".

          Tháng 2, khi đào nảy lộc, mận kết trái, hoa lê nở rộ trong bụi mưa... là khi người ta nhận biết được mùa xuân đã về. Cùng với những vẻ đẹp giản dị, nguyên sơ đó là vẻ đẹp cao quý của những người làm nghề thầy thuốc trong tấm áo blouse trắng giản đơn, thanh đạm luôn được mọi người dân Việt Nam bày tỏ lòng kính trọng, sự biết ơn. Đặc biệt, mỗi khi đến ngày 27/02 hàng năm là dịp để người dân bày tỏ tấm lòng thành của mình tới những người Thầy thuốc cùng với đó là hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện được kể lại, làm cho những tấm áo blouse đó lại càng thanh khiết hơn.

          Nhớ, 68 năm trước, ngày 27/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi hội nghị cán bộ ngành y tế căn dặn với ba điều quý báu: Ngoài “ thật thà, đoàn kết”; “xây dựng nền y học của ta” thì người làm nghề y phải “Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”.

          Từ những căn dặn quý báu của Bác Hồ, nhằm nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã đưa ra quyết định ngày 27/02 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Ngày này được xem là ngày tôn vinh các Y, Bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế và Bộ Y tế đã lấy ngày 27 tháng 2 là ngày truyền thống của ngành.

          Mỗi độ tháng 2 về, cùng với những nao nức tri ân và tôn vinh dành cho các Y, Bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành Y, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng có những lớp người với bao thế hệ lặng thầm làm việc, gắn bó với ngành Y, với người bệnh. Nhưng có lẽ ít ai biết đến họ. Ít ai biết được rằng, mỗi người bệnh để được khám và điều trị bệnh một cách đầy đủ, chu đáo, còn có những người tuy không phải công tác trong ngành Y, nhưng luôn theo dõi, đồng hành, hỗ trợ và bảo vệ mọi quyền lợi cho mình, đó chính là những người cán bộ Giám định viên bảo hiểm y tế (BHYT), những người mặc blouse trắng của ngành BHXH Việt Nam. Họ chính là những người "Thầy thuốc thầm lặng".

          Đối với Lạng Sơn, sau 25 năm thành lập BHYT, 20 năm ngày hợp nhất tổ chức BHYT với tổ chức BHXH, những giám định viên, những "Thầy thuốc thầm lặng" ấy đã luôn có mặt ở các cơ sở khám, chữa bệnh, vẫn luôn theo dõi, hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách BHYT cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Thật khó để kể hết những việc làm, hi sinh lặng thầm của người giám định viên trong công tác bảo vệ quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Nhưng tựu chung lại, giản đơn thôi, mỗi người bệnh đến khám, chữa bệnh đều luôn có bóng dáng họ ở đó tựa như là chỗ dựa để được hướng dẫn về quy trình khám, chữa bệnh, đồng thời họ cũng là người theo dõi việc tiếp đón, khám bệnh và điều trị của từng bệnh nhân, theo dõi, giám sát xem các bệnh nhân có được chỉ định sử dụng các dịch vụ, thuốc chữa bệnh đúng quy định hay không, tinh thần phục vụ của nhân viên y tế có tốt không...Trường hợp nếu không được hưởng đầy đủ quyền lợi, các giám định viên sẽ trực tiếp phản ánh với lãnh đạo cơ sở khám, chữa bệnh và đề nghị thực hiện đúng quy định để đảm bảo người bệnh có thẻ BHYT được hưởng những quyền lợi tốt nhất.

ss

Cán bộ làm công tác giám định viên BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

          Theo chị Ngô Thị Bích Hồng, giám định viên BHYT (thuộc BHXH tỉnh) thường trực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, cùng với các y, bác sĩ, chị Hồng cùng các đồng nghiệp làm công tác giám định ở đây thường xuyên thường trực giải đáp thắc mắc của người dân từ quy định thông tuyến trong KCB BHYT đến quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT 5 năm liên tục, các thủ tục hành chính trong KCB BHYT hoặc các trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí KCB theo quy định mới, rồi việc hỗ trợ những người bệnh khi bị cấp cứu nhưng bị mất thẻ, những trường hợp bệnh nhân ở địa bàn khác đến Lạng Sơn nhưng quên không mang theo thẻ BHYT cài ứng dụng VssID để xuất trình thủ tục thay cho thẻ BHYT giấy...

          Đồng nghiệp của chị Hồng, Anh Nguyễn Văn Nguyện, giám định viên BHYT (BHXH Cao Lộc) tại Trung tâm y tế huyện Cao Lộc cũng cho biết, ngoài việc thường xuyên giải đáp các thắc mắc của người dân công việc giám định còn thực hiện trực tiếp trên các hồ sơ bệnh án. Để thực hiện giám định một hồ sơ bệnh án, không riêng anh Nguyện mà hầu hết các giám định viên đều luôn phải cẩn trọng xem xét từng hồ sơ bệnh án theo các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Bởi chỉ cần một chút bất cẩn sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT và làm gia tăng vấn nạn trục lợi quỹ BHYT. Anh Nguyện cho biết: “Trong công việc, tôi luôn thực hiện đúng quy định nhưng cũng luôn cố gắng xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh đảm bảo quyền thụ hưởng của người bệnh có thẻ BHYT”.

ss

Cán bộ làm công tác Giám định viên BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

          Theo chị Nguyễn Thị Liễu, Phó trưởng Phòng Phụ trách phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh, nhiệm vụ của giám định viên BHYT không đơn thuần là đảm bảo đúng người, đúng thẻ và đúng đối tượng KCB BHYT, mà còn đảm bảo chi phí KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán đúng quy định, nhanh chóng, kịp thời. Việc này đòi hỏi các giám định viên phải thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức, phương pháp điều trị mới, để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó, chị Liễu cũng tâm sự, ngoài áp lực công việc, người làm giám định viên cũng phải chịu rất nhiều áp lực khác đến từ phía bệnh viện và cả bệnh nhân. Thế nhưng vì trách nhiệm và lòng yêu mến nghề nghiệp các anh chị em đều lựa chọn vượt lên khó khăn để phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách và nhiệm vụ được giao.

          Bên cạnh đó, ngoài việc tư vấn, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT thì một nhiệm vụ rất quan trọng của người giám định viên BHYT là quản lý Quỹ khám, chữa bệnh, nguồn tài chính để thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Trong năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã có gần 960.000 lượt đến khám chữa bệnh BHYT (tần xuất KCB so với số thẻ BHYT quản lý trên địa bàn bằng 1,3), tăng 103.000 lượt so với năm 2021 với tổng số chi khám chữa bệnh năm khoảng 554.300 triệu đồng, bằng khoảng 98% so với Dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 13/5/2022. Từ sự đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề của các anh chị em làm công tác giám định mà nguồn kinh phí khám, chữa bệnh năm 2022 đã được quản lý, sử dụng hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

          Là một người đồng nghiệp cùng công tác trong ngành BHXH- chúng tôi luôn đặc biệt chia sẻ và đồng cảm với những hi sinh thầm lặng đó của các anh, chị, em giám định viên nhằm mục tiêu chung đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, đảm bảo nguồn quỹ BHYT. Đối với chúng tôi họ thực sự là những người thầy thuốc lặng thầm- như những đóa hoa lê tinh khôi, lặng lẽ tô điểm cho đời cần được chỉa sẻ, tôn vinh./.

Hoàng Thùy