Skip to main content
Ban biên tập | 2 December 2022

Bình đẳng chính là liều thuốc hữu hiệu phòng chống HIV/AIDS, bởi vậy, chỉ có hành động khẩn cấp chống bất bình đẳng mới có thể đưa việc ứng phó với "căn bệnh thế kỷ" trở lại đúng đường.

cc

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) năm nay là "Hiện thực hóa bình đẳng" (Equalize), tức là bảo đảm công bằng trong việc tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị. Ảnh: Hoài Linh

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) năm nay là "Hiện thực hóa bình đẳng" (Equalize), tức là bảo đảm công bằng trong việc tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị, cũng như chia sẻ công nghệ và sự hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu chấm dứt "căn bệnh thế kỷ" vào năm 2030, trong bối cảnh cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu đối mặt nhiều thách thức.

Theo báo cáo mới đây của Chương trình Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), năm qua, thành quả trong phòng chống HIV/AIDS đã bị đảo ngược, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nguy hiểm. Số ca nhiễm mới HIV trên toàn thế giới tuy vẫn giảm, song với tốc độ giảm chậm nhất kể từ năm 2016.

HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người ở khu vực châu Âu. Tại châu Á và Thái Bình Dương, khu vực đông dân nhất thế giới, số ca nhiễm cũng tăng trở lại ở những nơi đã ghi nhận mức giảm đáng kể trong 10 năm qua. Đáng lưu ý, Mỹ Latinh, vốn thành công sớm trong điều trị AIDS tuy nhiên số ca nhiễm HIV đã tăng trở lại ở các nhóm dân số điển hình mắc bệnh này như người đồng tính nam.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo châu Phi có thể không đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 do đại dịch COVID-19 đã làm chậm nỗ lực giảm mạnh hơn nữa tỉ lệ nhiễm HIV. Trong khi đó, vấn đề bất bình đẳng là rào cản lớn đối với nỗ lực hướng tới mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS.

Theo thống kê, hiện có 38 triệu người đang sống chung với HIV, 5,9 triệu người biết họ bị nhiễm bệnh nhưng không được tiếp cận các biện pháp điều trị. Ngoài ra, khoảng 4 triệu người sống chung với HIV mà không được chẩn đoán. Khoảng 76% số người trưởng thành nhiễm bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) giúp họ duy trì thể trạng bình thường và khỏe mạnh, nhưng chỉ có 52% số trẻ em sống chung với HIV trên toàn cầu được tiếp cận ARV vào năm 2021.

Năm ngoái, trẻ em chỉ chiếm 4% số người sống chung với HIV, nhưng chiếm 15% tổng số ca tử vong liên quan đến AIDS. Khoảng 70% số ca nhiễm mới HIV là những người bên lề xã hội và tội phạm. Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử trong việc cung cấp các dịch vụ y tế cho người nghi nhiễm hoặc bệnh nhân HIV/AIDS vẫn chưa chấm dứt.

Liên Hợp Quốc chỉ rõ tình trạng bất bình đẳng giới càng khiến cuộc chiến chống HIV/AIDS trở nên khó khăn. Theo UNAIDS, phụ nữ đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình bởi họ không được tự quyết định về sức khỏe tình dục. Ở những khu vực có tỷ lệ HIV cao, phụ nữ bị bạn tình bạo hành phải đối mặt với nguy cơ nhiễm virus HIV cao hơn tới 50%. Tác động của bất bình đẳng giới đối với nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ đặc biệt rõ rệt ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi phụ nữ chiếm 63% số ca nhiễm mới HIV trong năm 2021.

Hơn nữa, trẻ em gái vị thành niên và nhóm từ 15-24 tuổi trong khu vực này có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 3 lần so với nam giới. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng dễ bị lây nhiễm HIV của các trẻ em gái giảm tới 50% nếu các em được tiếp tục đi học và hoàn thành chương trình giáo dục trung học, và rủi ro này sẽ còn giảm hơn nữa nếu các bé gái được hỗ trợ đúng mức.

Trong thông điệp nhân Ngày Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, với sự đoàn kết toàn cầu và quyết tâm lãnh đạo mạnh mẽ, WHO bảo đảm rằng mỗi người sẽ nhận được sự chăm sóc mà họ cần.

Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là một cơ hội để tái khẳng định các cam kết về chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, cũng là để nhắc nhở HIV vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Cần bảo đảm rằng mọi người, ở mọi nơi đều được tiếp cận công bằng với các biện pháp phòng, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc; các dịch vụ y tế cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của những người có nguy cơ cao nhất và bị ảnh hưởng nhất…

Nguồn: tiengchuong.vn