Skip to main content
Ban biên tập | 26 October 2022

Ngày 25/10/2022, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Cục trưởng Cục PCTNXH Trần Ngọc Tuý, Phó Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Thùy Dương và Trưởng bộ phận Nhập cư di cư (Đại sứ quán Anh) Mark Holton đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự hội thảo có đại diện Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an); Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng); Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Ngôi Nhà bình yên (Trung ương Hội LHPN Việt Nam); đại diện một số tỉnh, thành phố và đại diện tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, Tổ chức Trẻ em rồng xanh.

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục PCTNXH Trần Ngọc Tuý cho biết, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt. Cùng với đó, công tác tiếp nhận, xác minh, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả, góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nhiều nạn nhân trong những năm trở lại đây. Thông qua thực tiễn triển khai ở cơ sở, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm có hiệu quả trong công tác chỉ đạo triển khai cũng như tổ chức các hoạt động truyền thông, nhằm giảm nguy cơ bị mua bán và các kinh nghiệm cụ thể về: tiếp nhận, xác minh; hỗ trợ tâm lý, pháp lý; hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ; hỗ trợ khó khăn ban đầu và  hoà nhập cộng đồng.

cc

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thêm vào đó, Phó Cục trưởng Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh, vấn đề mua bán người trong thời gian qua tại Việt Nam là một trong những vấn đề nóng được báo chí và dư luận quan tâm, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế. Vì vậy, Chính phủ, các bộ ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm thực thi đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực cho đội ngũ trực tiếp tham gia tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ cho Chính phủ trong việc kết nối, điều phối các nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế.

Tại Hội thảo, ông Mark Holton chia sẻ, sau đại dịch COVID-19, nhiều người lao động tìm kiếm việc làm bù đắp thu nhập trong thời gian nghỉ dịch, trong số này, một số người bị tội phạm mua bán người lợi dụng và họ đã trở thành nạn nhân của mua bán người... Ở vương quốc Anh, chúng tôi gặp nhiều người bị cưỡng bức lao động do gặp nhiều biến cố trong cuộc sống và chúng tôi giúp họ trở về quốc gia nơi họ đến và hòa nhập với cộng đồng... Việc Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực và chính sách hỗ trợ nạn nhân trở về cộng đồng là góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu phòng, chống mua bán người.

Nhiều đại biểu các ngành, địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm trong phối hợp giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về. Đặc biệt là thông tin về tình hình mua bán người và hỗ trợ nạn nhân là người lao động sang làm việc tại Campuchia xảy ra trong thời gian gần đây.

Nguồn: molisa.gov.vn