Skip to main content
Ban biên tập | 2 December 2022

 “Chấm dứt đại dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022. Với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS trên địa bàn vào năm 2030, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lực lượng thanh niên là nhân tố tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện hơn 9.000 ca nhiễm HIV mới. Đặc biệt, tình trạng người nhiễm HIV trẻ hóa tăng nhanh. Từ năm 2012 – 2013, tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm người dưới 30 tuổi chỉ dưới 5%, đến năm 2022, con số này đã tăng lên hơn 50%. Tại Lạng Sơn, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 2 năm trở lại đây (2021 đến 2022), tỷ lệ người nhiễm HIV dưới 30 tuổi đều chiếm hơn 50% số người nhiễm HIV mới được phát hiện.

cc

ĐVTN thành phố Lạng Sơn tham gia diễu hành tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong giới trẻ, nhất là HIV/AIDS, cùng với các cấp, ngành, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thiết thực. Chị Lê Thùy Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Hằng năm, Tỉnh đoàn đều xây dựng, ban hành các kế hoạch, giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS được các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai, nổi bật là công tác tuyên truyền nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi thái độ và hành vi của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong phòng chống HIV/AIDS.

Cụ thể, công tác tuyên truyền được các cơ sở đoàn thực hiện đa dạng, hiệu quả, gắn với các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, mít tinh, diễu hành, hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, ngày thứ Bảy tình nguyện, tháng thanh niên, các cuộc thi, hội thi sân khấu hoá… thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp bộ đoàn đã tổ chức và phối hợp tổ chức 425 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS, mại dâm cho Nhân dân các xã vùng cao, biên giới, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt các câu lạc bộ thanh niên… thu hút trên 12.000 lượt ĐVTN tham gia; tổ chức 250 hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao; sinh hoạt ngoại khoá chuyên đề phòng, chống tội phạm, ma túy, HIV/AIDS, mại dâm thu hút 2.500 lượt ĐVTN, học sinh, sinh viên tham gia.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn duy trì, thành lập mới và nhân rộng hơn 60 mô hình, câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS thu hút hàng nghìn đoàn viên tham gia. Các câu lạc bộ “pháp luật với thanh niên”, “Lý luận trẻ”; mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”, “Tổ tuyên truyền PBGDPL tại khu dân cư”, “Chi đoàn 3 KHÔNG với ma túy”… đã phát huy hiệu quả trong tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại cơ sở.

Anh Lê Hoài Nam, 20 tuổi, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Được Đoàn phường Chi Lăng thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS và tôi cũng tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội… nên tôi biết về nguy cơ lây truyền và cách phòng, chống để bảo vệ sức khỏe bản thân, không kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS.

cc

Cán bộ Phòng khám ngoại trú và điều trị ARV, Trung tâm Y tế Cao Lộc tư vấn cho các trường hợp đến khám và điều trị HIV bằng thuốc ARV

Cùng với tuyên truyền, thời gian qua, các đoàn cơ sở và 100% tổ chức đoàn các trường trung cấp, cao đẳng, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tổ chức cho ĐVTN, học sinh ký cam kết không tham gia vào các tệ nạn xã hội, chủ động tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; tích cực vận động thanh, thiếu niên người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa tích cực tham gia đấu tranh với các hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý, phòng, chống HIV/AIDS, mại dâm. Nhiều cơ sở đoàn đã hỗ trợ, giúp đỡ các ĐVTN yếu thế, chậm tiến vươn lên, từ năm 2017 đến nay đã có hơn 800 thanh niên chậm tiến, thanh niên yếu thế được hỗ trợ (trung bình mỗi năm có 8 thanh niên hoàn lương, thanh niên nghiện ma túy được hỗ trợ, hòa nhập cộng đồng).

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chủ đề Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 là “Chấm dứt đại dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng”, do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thì tuổi trẻ Lạng Sơn đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, tổ chức đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực trong tuyên truyền, vận động ĐVTN, học sinh, sinh viên tham gia phòng, chống dịch HIV/AIDS. Sự chung tay, góp sức của tuổi trẻ trong tỉnh sẽ góp phần tích cực vào quá trình triển khai, thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, phấn đấu cùng cả tỉnh hoàn thành mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tại Lạng Sơn, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/1993. Tính đến ngày 31/10/2022, tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 3.097 trường hợp, trong đó, đã có 2.154 người tử vong do AIDS. Tổng số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV trong toàn tỉnh là 149/200 đơn vị, HIV/AIDS không chỉ xuất hiện ở thành phố, thị trấn mà còn xuất hiện ở các vùng sâu, vùng xa.

Nguồn: baolangson.vn