Skip to main content
Ban biên tập | 24 November 2022

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Người rất thông cảm và hiểu rõ đồng bào các dân tộc ở miền núi, nơi có trình độ kinh tế kém phát triển thì các dân tộc anh em khác có điều kiện hơn phải giúp đỡ họ thoát nạn bần cùng, hướng dẫn họ cách thức làm ăn, giúp họ tổ chức sản xuất, xóa bỏ mê tín dị đoan… để đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống mới. Thấm nhuần tư tưởng của Người, đầu năm 2018 trung tá Nguyễn Văn Lâm viết đơn tình nguyện lên công tác tại vùng biên giới Lạng Sơn với khát vọng cống hiến, đóng góp công sức chung tay giúp người dân vùng khó thoát nghèo.

          Trung tá Lâm, Đội trưởng Đội 2, Nông lâm trường (NLT) 461 (Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 338, Quân khu I) chia sẻ: Trong quá trình công tác tại Tiểu đoàn Công binh 17, Sư đoàn 3, Quân khu I, tôi nhiều lần đóng quân tại một số vùng khó khăn của tỉnh Lạng Sơn nên nhận thấy đa số người dân còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, đời sống còn nhiều vất vả vì thế , đầu năm 2018, tôi đã viết đơn tình nguyện đến công tác tại Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 338 để có thể góp một phần công sức giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo.

ss

Trung tá Nguyễn Văn Lâm (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ đơn vị làm công tác dân vận

          Theo nguyện vọng, từ tháng 5/2018, trung tá Lâm được phân công nhiệm vụ tại NLT461, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 338, được đơn vị giao triển khai các dự án kinh tế – quốc phòng tại địa bàn 2 xã biên giới gồm Kiên Mộc, huyện Đình Lập và Trùng Khánh, huyện Văn Lãng. Mặc dù địa hình trên địa bàn phụ trách chủ yếu là đồi núi, đường đi lại khó khăn, 2 xã cách nhau tới 140 km; gần 100% bà con là người Tày, Nùng, Dao, cách thức sản xuất còn manh mún, lạc hậu và bất đồng về ngôn ngữ… nhưng khi được giao nhiệm vụ, trung tá Lâm luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

          Anh đã cùng anh em đơn vị khảo sát, tìm hiểu địa bàn, nắm bắt nhu cầu của người dân, qua đó tham mưu cấp ủy, chỉ huy đơn vị làm đường giao thông, đường nước sinh hoạt và triển khai các dự án trồng trọt, chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện, anh thường xuyên giữ mối liên hệ tốt với cấp ủy, chính quyền cơ sở; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với người dân… Vì thế, khi anh Lâm triển khai công việc gì, người dân ở 2 xã cũng ủng hộ, tham gia. Ví như anh đã vận động thành công 10 hộ dân thôn Khe Bủng, xã Kiên Mộc hiến trên 20.000 m2 đất để làm đường giao thông; vận động 12 hộ dân tại xã Trùng Khánh đồng thuận cho lắp đặt ống nước qua vườn, ruộng của mình để thi công đường nước sạch sinh hoạt… Đặc biệt, anh tích cực nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng đội để có kiến thức hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc rừng thông, cây ba kích và chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

          Với sự góp sức của mình, từ giữa năm 2018 đến nay, anh đã tham mưu đơn vị triển khai thành công 5 dự án kinh tế – quốc phòng tại các xã được giao phụ trách. Trong đó, tại xã Kiên Mộc có 3 dự án gồm: thi công đường dốc 6 độ thôn Khe Bủng dài 2,1 km; trồng 2 ha cây ba kích với 18 hộ nghèo tham gia; chăn nuôi lợn thương phẩm, cấp 132 con lợn giống cho 33 hộ nghèo, cận nghèo. Tại xã Trùng Khánh có 2 dự án cấp nước sạch sinh hoạt tới 132 hộ dân tại thôn Bản Cháu và Nà Tầm.

          Ông Nông Văn Bằng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Có, xã Kiên Mộc cho biết: Gần 5 năm trước, cuộc sống của người dân Bản Có còn khó khăn lắm. Nhờ có trung tá Lâm chỉ cho cách trồng cây ba kích, chăm sóc rừng thông, cách nuôi bò và lợn mà hầu hết bà con tăng gia hiệu quả. Hết vụ ba kích (tháng 5/2022), mỗi hộ nghèo thu được hơn 1 tạ cho thu nhập trên 23 triệu đồng. Bà con nuôi bò, lợn ít bị còi hoặc chết do dịch bệnh. Đến nay, thôn có 56 hộ thì chỉ còn 1 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo, giảm 17 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo so với năm 2018.

          Với khuôn mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ, khi nói về những dự định trong thời gian tới, trung tá Lâm mong muốn từ nay đến năm 2025, bản thân tiếp tục được theo dõi, triển khai thêm nhiều dự án thiết thực, có ý nghĩa nữa như dự án chăn nuôi bò, lợn, dê; trồng cây ba kích, sa nhân, cát sâm… nhằm giúp người DTTS ở địa bàn 2 xã nói riêng, vùng biên giới Xứ Lạng nói chung có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

“NLT 461 có 6 đội nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ KT-QP tại 105 thôn biên giới tại 10 xã của 3 huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng. Nhờ sự góp sức của trung tá Lâm, những năm qua, nhiều hộ dân ở xã Kiên Mộc, Trùng Khánh đã có đường giao thông đi lại thuận lợi, có nước sạch sinh hoạt, đặc biệt các hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật sản xuất từ đó vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, xã Trùng Khánh có 426 hộ thì chỉ còn 20 hộ nghèo (chiếm hơn 4,3%), giảm 44 hộ, tương đương 9,5% so với năm 2018. Xã Kiên Mộc chỉ còn 40 hộ nghèo/576 hộ dân (chiếm 6,9%), giảm 216 hộ, tương đương giảm gần 35% so với năm 2018. Với sự đóng góp đó, đồng chí Lâm đã được chỉ huy Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 338, cấp ủy, chỉ huy NLT 461 biểu dương, khen thưởng trong nhiều lĩnh vực công tác, trong đó có việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong suốt 5 năm qua”.

 

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Chính trị viên NLT 461

 

 

Nguồn:baolangson.vn