Skip to main content
Ban biên tập | 18 November 2022

            Những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, người dân trên địa bàn xã Tri Phương, huyện Tràng Định đã tập trung phát triển cây hồi.

          Tri Phương là một trong những xã có diện tích trồng hồi lớn trên địa bàn huyện Tràng Định. Tại đây, hồi là một trong những cây trồng chủ lực, giúp nhiều người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

          Những ngày đầu tháng 10/2022, chúng tôi có dịp đến thăm vườn hồi nhà ông Đinh Văn Huấn, thôn Bản Đoỏng trong lúc ông đang tất bật thu hoạch hồi để kịp giao cho tư thương. Ông Huấn chia sẻ: Gia đình tôi trồng hồi từ năm 1998 với diện tích khoảng 1 ha. Sau 8 năm cây bắt đầu cho thu hoạch, nhận thấy giá trị kinh tế đem lại cao nên gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên 2 ha. Đến nay, toàn bộ diện tích đều đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được từ 2 đến 4 tấn hồi, với giá bán từ 42.000 đến 48.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm, cây hồi đem lại cho gia đình từ 100 đến trên 160 triệu đồng.

ss

Người dân thôn Kéo Quân, xã Tri Phương kiểm tra chất lượng hồi khô

          Không chỉ hộ ông Huấn mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã cũng có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu nhờ cây hồi. Hiện nay, toàn xã có khoảng 400 hộ trồng hồi tại 7/9 thôn với diện tích 371 ha, trong đó, trên 250 ha đã cho thu hoạch. Từ trồng hồi, toàn xã có trên 200 hộ có thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm, các hộ trồng ít, trung bình cũng thu về từ 50 đến 80 triệu đồng/năm.

          Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây hồi được người dân đưa về trồng từ năm 1998, tuy nhiên, lúc đó còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thành hàng hóa. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hiệu quả kinh tế thiết thực từ trồng hồi, từ năm 2015 trở lại đây, phong trào trồng hồi trên địa bàn xã phát triển mạnh. Trung bình, mỗi năm sản lượng hoa hồi thu hoạch đạt từ 400 – 600 tấn, với giá bán từ 42.000 đến 48.000 đồng/kg hồi tươi; 175.000 đến 180.000 đồng/kg hồi khô, đem lại doanh thu trên 18 tỷ đồng/năm. Hiện trên địa bàn xã có 4 điểm thu mua hồi cho bà con, nhờ đó người trồng hồi không lo về đầu ra.

          Ông Nông Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Để khuyến khích người dân phát triển và mở rộng diện tích trồng hồi, hằng năm, UBND xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 – 4 lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi; vận động người dân chặt bỏ những cây già cỗi, năng suất thấp thay thế bằng cây hồi mới, cho năng suất cao. Đồng thời, chỉ đạo sát sao các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế rừng, trong đó có cây hồi. Đến nay, toàn xã có 300 hộ dân được vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng và chăm sóc hồi với tổng dư nợ trên 18,9 tỷ đồng. Không chỉ chú trọng phát triển theo số lượng, chính quyền xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng trồng hồi; hướng dẫn người cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

          Những năm qua, việc phát triển kinh tế từ cây hồi đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 6,7% (giảm 10% so với năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2016).

Những năm qua, việc phát triển kinh tế từ cây hồi là một trong những nguồn thu nhập chính với nhiều bà con trên địa bàn xã Tri Phương. Đây cũng là một trong những xã có diện tích trồng hồi lớn trên địa bàn huyện. Thời gian tới, sau khi bà con thu hoạch xong, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch nhằm tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc cây hồi sau thu hoạch đúng quy trình, kỹ thuật. Qua đó, giúp cây hồi khỏe mạnh, phát triển tốt, hướng tới vụ hồi tiếp theo sẽ đạt sản lượng cao nhất có thể.”

Bà Nông Thị Kim Oanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện

 

Nguồn:baolangson.vn