Skip to main content
Ban biên tập | 17 November 2022

          Những năm gần đây, người dân xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng đã tận dụng thế mạnh là có diện tích đất lâm nghiệp lớn (trên 3.200 ha, chiếm hơn 63% diện tích đất tự nhiên) để phát triển kinh tế đồi rừng. Nhờ rừng, nhiều hộ dân đã vươn lên khá giả.

          Năm 2010, gia đình ông Lâm Văn Mỵ, thôn Trại Dạ trồng 3.000 cây bạch đàn và hơn 1.500 cây keo trên diện tích 3 ha đất đồi của gia đình. Sau 6 năm chăm sóc, cây đến kỳ cho khai thác mang lại cho gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ông Mỵ cho biết: Nhận thấy trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi tiếp tục đầu tư trồng lại trên diện tích đã khai thác và mở rộng trồng mới thêm 5 ha bạch đàn. Đến nay, gia đình tôi có trên 8 ha keo và bạch đàn. Tháng 5/2022, gia đình tôi tiến hành khai thác một phần diện tích nhỏ keo và bạch đàn thu về gần 300 triệu đồng. Phần diện tích còn lại hiện đang phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch vào năm sau.

ss

Người dân thôn Quyết Tiến, xã Hòa Sơn chăm sóc rừng bạch đàn

          Cũng như gia đình ông Mỵ, gia đình ông Mè Văn Lót, thôn Suối Trà cũng là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng rừng. Ông Lót cho biết: Năm 2011, tôi trồng khoảng 5.000 cây bạch đàn trên diện tích 3 ha đất đồi của gia đình. Nhờ đầu tư chăm sóc tốt, năm 2017, gia đình tôi khai thác thu về gần 300 triệu đồng. Nhận thấy trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao nên từ đó, gia đình tích cực mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi có trên 15 ha rừng, chủ yếu trồng cây bạch đàn và cây keo.

          Theo tìm hiểu được biết, từ 20 năm trước, người dân trong xã đã bắt đầu trồng rừng, tuy nhiên, thời điểm đó, rừng chưa được chú trọng chăm sóc và diện tích còn nhỏ lẻ. Năm 2010, một số hộ dân bắt đầu có thu nhập hàng chục triệu đồng từ khai thác rừng trồng nên phong trào trồng rừng phát triển rộng khắp trên địa bàn xã.

          Đến nay, toàn xã có 1.385 hộ tại 9/9 thôn phát triển trồng rừng (chiếm 100% số hộ dân); hộ trồng ít có từ 2 đến 3 ha, hộ trồng nhiều có từ 10 đến 15 ha, trồng chủ yếu cây keo và bạch đàn. Nhờ đó, tổng diện tích rừng trồng trên địa bàn xã hiện có trên 3.100 ha, trong đó có khoảng 700 ha đang đến kỳ cho thu hoạch (là 1 trong 3 xã phát triển mạnh phong trào trồng rừng trên địa bàn huyện)

          Ông Phùng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Phát huy lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi chủ lực, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Theo đó, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các phòng chuyên môn huyện mở 2 hoặc 3 lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng rừng song song với chú trọng chăm sóc, bón phân định kỳ và phòng trừ sâu bệnh hại.

          Cùng với đó, thông qua tổ chức hội, đoàn thể, người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay để phát triển trồng rừng trên địa bàn tại Ngân hàng chính sách xã hội đạt 27,5 tỷ đồng. Ngoài ra, xã cũng hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay từ Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, từ khi triển khai thực hiện đến nay, toàn xã có 28 hộ được giải ngân với số tiền hơn 14 tỷ đồng để phát triển trồng rừng.

          Nhờ sự chủ động, tích cực của người dân, diện tích rừng trồng mới hằng năm trên địa bàn xã ngày càng tăng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn xã đã trồng mới được trên 125 ha rừng, khoảng 50% số hộ dân phát triển trồng rừng trên địa bàn xã có thu nhập ổn định từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông: Phạm Văn Bình (thôn Suối Trà), Nông Văn Dần (thôn Quyết Tiến)… Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà ở khang trang, có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ.

          Hiệu quả từ phát triển kinh tế đồi rừng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng/người/năm so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36,6% (năm 2015) xuống còn 20,5% (năm 2021).

Nguồn:baolangson.vn