Skip to main content
Ban biên tập | 14 November 2022

         Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Bắc Sơn được vay vốn ưu đãi  để phát triển sản xuất. Hiện nay, Bắc Sơn là huyện đi đầu trong thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong toàn tỉnh.

          Bắc Sơn là huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,95% dân số, cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những động lực quan trọng để hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện vươn lên.

ss

Cán bộ NHCSXH huyện giải ngân cho vay tại điểm giao dịch xã Nhất Tiến

          Tính đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ cho vay tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn là 446,9 tỷ đồng, số hộ vay là 8.560 hộ. Trong đó, riêng cho vay hộ nghèo đạt 102 tỷ đồng và cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đạt 138 tỷ đồng. Vốn vay chủ yếu được người dân dùng để phát triển đồi rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi – vốn là thế mạnh của huyện. Theo đánh giá của NHCSXH Chi nhánh tỉnh, hiện nay, Bắc Sơn là đơn vị có dư nợ các chương trình cho vay cao nhất trong toàn chi nhánh.

          Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện. Ngoài ra, để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tổ chức họp bình xét, công khai theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND tỉnh phê duyệt hằng năm để giải ngân nhanh chóng, kịp thời đưa vốn vào sản xuất.

          Xác định tổ TK&VV có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải nguồn vốn cho vay, nên hằng năm Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đều chủ động tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho 100% tổ TK&VV. Đến nay, huyện có 240 tổ TK&VV, trong đó, có 94,48% tổ hoạt động tốt, khá. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng được NHCSXH huyện chú trọng, hằng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện tiến hành kiểm tra các xã; các tổ chức chính trị – xã hội, tổ TK&VV kiểm tra các hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy nguồn vốn phát huy hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,03% tổng dư nợ.

          Vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Điển hình như gia đình bà Hoàng Thị Toan là một trong những hộ nghèo ở thôn Táp Già, xã Chiêu Vũ. Năm 2017, khi được hướng dẫn, bà đã vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản.

 

Bà Toan cho biết: Nhờ được vay vốn vay ưu đãi nên gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, sau 3 năm gia đình đã trả được nợ ngân hàng. Năm 2020, gia đình tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi trâu vỗ béo. Nhờ đó, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ 100 đến 120 triệu đồng/năm.

          Không chỉ gia đình bà Toan, kể từ năm 2003, khi có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, đến nay, nguồn vốn giúp cho 3.520 hộ gia đình thoát nghèo; giúp trên 524 hộ nghèo có nhà ở ổn định; trên 10.000 lượt hộ có điều kiện sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh; giải quyết việc làm cho trên 2.600 lượt lao động; trên 13.000 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.

          Bà Dương Thị Thép, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Những năm qua, để thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi, UBND huyện thường xuyên kiện toàn bộ máy hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện theo quy định; chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH huyện tập trung triển khai cho vay đối với các nguồn vốn khi được phân bổ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng chính sách thuận lợi nhất. Hằng năm, huyện luôn chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá số lượng hộ nghèo trên địa bàn, từ đó cử cán bộ theo dõi và hướng dẫn người dân vay vốn chính sách để xây dựng mô hình kinh tế, phát triển sản xuất.

          Từ nguồn vốn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 14,6%, bình quân mỗi năm giảm 3%.

Nguồn:baolangson.vn