Skip to main content
Ban biên tập | 8 November 2022

        Trong những năm qua, nhờ được tiếp cận vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) qua kênh ủy thác cho vay của hội phụ nữ các cấp, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có vốn để đầu tư các mô hình kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

          Trước đây, gia đình chị Lã Thị Hải, thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có diện tích đất đồi rừng lớn nhưng lại thiếu vốn để phát triển sản xuất. Chị Hải cho biết: Năm 2015, được Hội Liên Hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tuyên truyền, tôi đã  vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để chăm sóc 7 ha thông. Đầu năm 2022, cây đến tuổi cho khai thác, tôi bán và thu về 900 triệu đồng. Nhờ đầu tư hiệu quả, đến nay, gia đình tôi đã có vốn để phát triển sản xuất, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiện nay, gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 7 ha keo và thông.

ss

Gia đình chị Nông Thị Tâm, thôn Pàn Pè, xã Hoàng Đồng có điều kiện mở rộng sản xuất từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH

          Cũng như chị Hải, chị Nông Thị Tâm, thôn Pàn Pè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Chị Tâm cho biết: Cuối năm 2021, gia đình tôi mở cửa hàng sản xuất bánh ngọt (bánh mì, bánh piza), vì số vốn ít nên chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Giữa lúc đang khó khăn về vốn, gia đình tôi được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn vay 50 triệu đồng mua thêm lò nướng bánh và máy cán bột để mở rộng sản xuất. Nhờ đó, hiện nay, trung bình mỗi tháng gia đình bán ra thị trường hơn 1.000 chiếc bánh các loại, doanh thu đem lại 20 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 2 lao động trên địa bàn.

          Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo trong những năm qua. Theo số liệu của NHCSXH tỉnh, đến nay, tổng dư nợ ủy thác thông qua Hội LHPN tỉnh là 1.237 tỷ đồng với 23.431 lượt hộ vay. Trong đó, doanh số cho vay từ đầu năm 2022 đến nay là 247,6 tỷ đồng, 4.490 lượt hộ vay.

          Hội LHPN Hữu Lũng là một trong những đơn vị ủy thác có dư nợ cao trong toàn tỉnh. Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hữu Lũng cho biết: Để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo cho hội viên, thời gian qua, Hội đã chú trọng đến công tác ủy thác vốn từ NHCSXH. Tổng dư nợ vốn vay tính đến thời điểm hiện nay do Hội quản lý là trên 134 tỷ đồng với 3.086 hộ vay. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hằng năm, hội phối hợp với ngân hàng tập huấn cho cán bộ hội về công tác quản lý vốn; lồng ghép việc kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn trong chương trình kiểm tra công tác hội… Qua đánh giá, hầu hết các hội viên đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều hộ hội viên đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Trong năm 2021, Hội đã giúp đỡ 38 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo (vượt 14 hộ so với chỉ tiêu).

          Cùng với Hữu Lũng, thời gian qua, Hội LHPN các huyện, thành phố luôn quan tâm, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ủy thác vốn vay để giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để triển khai nguồn vốn vay ủy thác đúng mục đích, có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội phụ nữ các cấp thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức triển khai các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp. Cùng đó, chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả…

ss

          Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN đã phối hợp tổ chức được 114 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2.504 hội viên tham gia về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, từ đó hội viên có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với NHCSXH tổ chức được 20 lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn cho các thành viên là cán bộ tổ chức hội, ban quản lý tổ TK&VV.

          Ngoài ra, hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, hội đã tiến hành kiểm tra được 18 lượt xã, 29 tổ TK&VV, 89 lượt hộ vay; hằng năm, hội tiến hành kiểm tra 100% huyện, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (chiếm 0,06% dư nợ ủy thác).

          Từ những giải pháp cụ thể cũng như kết quả đạt được, nguồn vốn phát huy hiệu quả đã tiếp sức nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, chỉ tính riêng năm 2021, Hội đã giúp 211 hộ hội viên phụ nữ là chủ hộ vươn lên thoát nghèo (vượt 11 hộ so với chỉ tiêu); hiện nay, hội có trên 200 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, đời sống của nhiều hội viên ngày càng nâng cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

ss

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

          “Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tích cực phối hợp với ngân hàng làm tốt công tác quản lý nguồn vốn vay ủy thác, góp phần chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến hội viên và người dân kịp thời. Nhờ đó, đến nay, Hội LHPN tỉnh là một tổ chức ủy thác có dư nợ lớn nhất trong 4 tổ chức hội nhận ủy thác với chất lượng, hiệu quả tốt nhất. Cụ thể, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 94%; thu lãi hằng tháng đạt 99%; số tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động khá, tốt chiếm 99,7%. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao hội phụ nữ các cấp thực hiện tốt các công đoạn ủy thác, qua đó, giúp nhiều hội viên phụ nữ tiếp cận với vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu”.

Nguồn:baolangson.vn