Skip to main content
Ban biên tập | 3 November 2022

        Với tư duy nhạy bén cùng sự mạnh dạn, quyết đoán trong phát triển kinh tế, anh Hoàng Văn Phương (sinh năm 1979), thôn Nà Phước, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng đã xây dựng thành công mô hình nuôi ong lấy mật. Hướng đi này giúp gia đình anh phát triển kinh tế ổn định, đạt hiệu quả cao, vươn lên thành hộ khá giả trong xã.

          Anh Phương sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông anh em. Trước đây, thu nhập của gia đình anh chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, thu nhập bấp bênh. Làm thế nào để phát triển kinh tế hiệu quả, vươn lên trong cuộc sống luôn là suy nghĩ đau đáu trong anh.

ss

Anh Hoàng Văn Phương chăm sóc đàn ong mật

          Nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật có hiệu quả khá cao, anh Phương bắt đầu học hỏi kinh nghiệm từ một số hội viên nông dân trong xã. Năm 2013, anh nuôi 2 tổ ong thử nghiệm. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, đàn ong bị bệnh, mô hình thất bại. Không nản chí, anh quyết tâm nuôi tiếp 5 tổ ong và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi ong thành công tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức để xây dựng quy trình chăm sóc phù hợp. Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, mô hình nuôi ong của gia đình dần phát triển.

          Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi ong, anh Phương chia sẻ: Để đàn ong khoẻ mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo cẩn thận của người nuôi khi chăm sóc đàn ong. Tôi thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong để đảm bảo “nhà” của chúng luôn khô ráo, sạch sẽ phòng tránh bệnh. Trong quá trình kiểm tra đàn ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh mặc áo có màu sắc sặc sỡ khiến cho đàn ong bị xáo trộn. Đối với từng thời điểm, cần có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong.

          Với sự kiên trì, nỗ lực không ngừng, sau một năm thử nghiệm và thấy được tính khả thi, anh Phương tiếp tục tìm hiểu và tự nhân giống, tách đàn ong. Đến nay, gia đình luôn duy trì từ 60 đến 70 đàn ong, mỗi năm thu về từ 600 đến 700 lít mật, giá bán từ 300.000 đến 500.000 đồng/lít, đem lại thu nhập từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.

          Năm 2019, tận dụng diện tích đất đồi bỏ hoang của gia đình, anh Phương trồng thêm 3 ha keo. Đến nay, cây keo sinh trưởng và phát triển rất tốt, keo nở hoa là nguồn phấn dồi dào cho đàn ong của gia đình.

          Không chỉ phát triển nghề nuôi ong, anh Phương còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho những người nuôi ong trong xã. Năm 2017, anh cùng 21 hộ khác thành lập Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy. Từ đó, anh cùng các thành viên HTX tập trung hoàn thiện quy trình nuôi ong, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… nhằm xây dựng thương hiệu mật ong trên địa bàn. Đến năm 2020, sản phẩm mật ong rừng của HTX được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày một mở rộng, không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh mà còn xuất bán cho một số khách hàng ngoại tỉnh như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

          Bà Nguyễn Thị Thoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Thủy nhận xét:  Anh Hoàng Văn Phương là một trong những hội viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Phương luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của hội, luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác và bà con trong xã. Góp phần tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương, xứng đáng là tấm gương sáng cho các hội viên khác học tập và noi theo.

          Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp vào phong trào của hội nông dân, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tháng 10/2021, anh Hoàng Văn Phương vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng tặng giấy khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2021”.

Nguồn:baolangson.vn