Skip to main content
Ban biên tập | 1 August 2022

Ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Đẩy lùi tội phạm mua bán người

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Liên Hợp Quốc cũng chọn 30/7 là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”, đây là một dấu mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ.

Tội phạm mua bán người ở nước ta phần lớn đều do các đường dây có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước thực hiện. Tệ hại hơn, chính người trong gia đình cũng tham gia những đường dây phạm tội này để bán người thân ra nước ngoài. Nguyên nhân chính khiến gia tăng tình trạng mua bán người là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; xuất nhập cảnh chưa kiểm soát hiệu quả; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh...

cc

TAND tỉnh Bắc Giang xét xử bị cáo Trần Thị Bạn về hành vi “Mua bán người” và “Mua bán trẻ em” - Ảnh: Chí Dũng

Năm nay, tội phạm mua bán người tại Việt Nam nổi lên hiện tượng lừa lao động sang Campuchia mà chúng tôi đã đã đăng bốn kỳ về tình trạng này ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, với chiêu lừa làm việc nhẹ lương cao, nhiều lao động trẻ ở khắp các tỉnh thành trở thành nạn nhân của bọn mua bán người, họ phải có đủ tiền nộp cho chủ mới được trở về.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm. Hiện nay các nhóm tội phạm buôn bán người thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, dụ dỗ người dân rơi vào cạm bẫy mua bán người.

Lợi dụng tình trạng người lao động đang cần tìm kiếm việc làm, nhất là lao động ở các vùng nông thôn hoặc những lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân có hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn, các đối tượng lừa đảo đưa ra những lời dụ dỗ về mức lương rất cao, kèm theo chế độ đãi ngộ hấp dẫn đã khiến hàng trăm người lao động nhẹ dạ, cả tin mắc bẫy.

Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều cách để đưa họ vượt biên sang Campuchia bằng cả đường chính ngạch hoặc nhập cảnh trái phép. Nhiều kẻ lừa đảo còn sẵn sàng ứng tiền công trước để dụ dỗ người lao động. Chỉ khi sang đến nước bạn, họ mới thực sự vỡ lẽ. Họ bị biến thành nô lệ, bị bóc lột bằng đủ mọi cách, bị đối xử thậm tệ nhưng không biết cầu cứu ai. Họ bị bán cho các chủ lao động nước ngoài.

Tội phạm có tổ chức mới đáng báo động

Theo báo cáo của Global Initiative against transnational organized crime- Sáng kiến toàn cầu về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tại các trung tâm casino nổi tiếng của Đông Nam Á, sự sụt giảm mạnh khách du lịch do Covid, đặc biệt là khách đánh bạc từ Trung Quốc và Thái Lan đã thúc đẩy một hiện tượng tội phạm có tổ chức mới đáng báo động - Nô lệ hiện đại trong các hoạt động lừa đảo qua mạng.

Tại rất nhiều địa điểm trên khắp Campuchia, ước tính có hàng chục nghìn người, chủ yếu từ khu vực sông Mêkông và cả Ấn Độ và Ukraina được cho là đang bị giam giữ trái ý muốn và ép vận hành các trò lừa đảo trên mạng. Những người lao động bị bóc lột nói rằng họ bị các băng nhóm tội phạm Trung Quốc giam giữ trong các khu phức hợp, và chúng sẽ tra tấn những ai cố gắng bỏ trốn.

 

cc

Cao Bằng bắt giữ đối tượng mua bán người

Hầu hết 150 sòng bạc tại Campuchia đều thuộc sở hữu của người Trung Quốc và có trụ sở tại Sihanoukville, một số tại các khu vực biên giới với Việt Nam và Thái Lan, và một khu sòng bạc phức hợp lớn tại Phnom Penh. Các hoạt động này chủ yếu phục vụ cho người Trung Quốc, số ít cho thị trường du lịch Thái Lan và Việt Nam vì đánh bạc là bất hợp pháp tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài đánh bạc trực tiếp, Sihanoukville cũng là thủ phủ của ngành công nghiệp đánh bạc trực tuyến (hợp pháp) phát triển mạnh mẽ đến năm 2019 khi Trung Quốc thuyết phục Campuchia cấm đánh bạc trực tuyến.

Phỏng vấn các nạn nhân được giải cứu từ Thái Lan, Campuchia và Lào cho thấy, các hoạt động lừa đảo trực tuyến thường liên quan đến những người lao động phản hồi/tương tác với các quảng cáo trực tuyến về việc làm lương cao.

Nạn nhân sau đó bị trói buộc vào các hợp đồng lao động 6 tháng và bị nói rằng chi phí chi cho họ đã hết hàng ngàn đô la, từ đó trói buộc họ vào nợ nần. Các khoản nợ này sẽ tiếp tục tăng lên nếu họ không hoàn thành các định mức công việc cao ngất ngưởng được giao. Họ được tạo các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội và một danh sách các cá nhân mà họ phải lừa để đầu tư như tiền ảo hoặc vàng.

Ngành công nghiệp lừa đảo này có vẻ như xuất hiện đầu tiên tại Sihanoukville, các mô hình tương tự đã được nhân rộng ở các nơi khác trong khu vực. Các mô hình tương tự đã được nạn nhân tại Lào và Myanmar ghi nhận.

Trong 2 năm vừa qua, các tổ chức phi chính phủ, nhà báo, cảnh sát và các cơ quan nhà nước nhiều quốc gia đã cảnh báo về quy mô của mua bán người và nô lệ hiện đại được phát hiện trong các mô hình lừa đảo trực tuyến này. Nạn nhân bị cưỡng bức lao động, giam giữ, đánh đập, bóc lột tình dục và bị sử dụng làm “nô lệ cung cấp máu” khi đối tượng lấy máu của họ để bán.

Để giải cứu nạn nhân, tháng 4/2022, Cảnh sát Thái Lan đã tiến hành các cuộc đột kích vào các địa điểm tại Phnom Penh và Sihanoukville, được hỗ trợ bởi cảnh sát địa phương với hi vọng giải cứu lên đến 3000 người nhưng họ chỉ có thể giải cứu được 66 người. Thái Lan cũng đề nghị các quan chức Lào hỗ trợ truy xuất công dân Thái Lan từ các casino tại Lào, nhưng phản hồi dường như là không đầy đủ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, nỗ lực đóng cửa các trung tâm lừa đảo qua mạng và giải cứu nạn nhân bị cản trở nghiêm trọng bởi sự thông đồng của chính quyền địa phương, hoặc ít nhất là không muốn can thiệp vào các đặc khu kinh tế (SEZ) và các khu song bạc phức hợp có bảo vệ được coi là nằm ngoài quyền tài phán của các cơ quan an ninh của nước sở tại.

Nêu cao cảnh giác

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, quan trọng nhất mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân để tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.

Luôn cảnh giác với những lời hứa hẹn tìm việc, rủ hợp tác làm ăn, tìm việc làm có thu nhập cao cả trong nước và nước ngoài.

Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

- Nếu có kế hoạch đi xa, hãy tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Đừng quên tham khảo ý kiến mọi người và thông báo cho gia đình trước khi đi xa.

- Thường xuyên cập nhật tin tức, kiến thức để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán.

- Luôn chuẩn bị cho bản thân địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,... để liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.

- Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.

Nguồn: tapchitoaan.vn