Skip to main content
Ban biên tập | 4 July 2022

Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 938/QĐ-TTG ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017- 2027” (đề án), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, xây dựng các mô hình hiệu quả. Qua đó nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

Ngày 21/11/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là cơ quan chủ trì phối hợp với các ban, ngành triển khai đề án. Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đề án có mục tiêu chung là truyền thông, hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, chuyển đổi hành vi, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Đề án tập trung vào các nội dung tuyên truyền như: an toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ về chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới… Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong triển khai đề án, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội chuyên trách, đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đến phụ nữ.

cc

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tuyên truyền về bình đẳng giới cho hội viên phụ nữ xã Mai Pha,

 thành phố Lạng Sơn

Theo đó, các cấp hội phụ nữ đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, các nội dung tuyên truyền của đề án. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trên 30 nghìn cuộc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với nội dung đề án. Trong đó có hơn 190 nghìn hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới (vượt hơn 10 nghìn người so với mục tiêu đề án đặt ra trong giai đoạn 2017 – 2021).

Bà Vi Trung Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Lộc Bình cho biết: Thực hiện đề án, chúng tôi đã phối hợp với các ban, ngành, chỉ đạo các cơ sở hội lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với địa bàn huyện biên giới với các nội dung pháp luật về: bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người… Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện tổ chức trên 200 cuộc tuyên truyền nội dung đề án. Nổi bật là định kỳ hằng năm chúng tôi tổ chức các cuộc tuyên truyền, hội thi, tọa đàm về phòng, chống mua bán người tại các xã biên giới. Qua đó nhận thức của Nhân dân và hội viên được nâng cao, đơn cử giai đoạn 2016 – 2021, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ mua bán người nào (giai đoạn 2011 – 2015, các lực lượng chức năng của huyện khởi tố 4 vụ án mua bán người).

Cùng đó, các cấp hội chú trọng xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Đơn cử năm 2019, Hội LHPN tỉnh triển khai xây dựng 8 mô hình điểm của đề án tại 8 xã trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ” và “Thôn an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; “Phụ nữ chung tay phòng, chống bạo lực gia đình” tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình; ”Phụ nữ biên giới xây dựng mái ấm bình yên” tại xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng… Các cấp hội linh hoạt lồng ghép nội dung đề án với các mô hình, tổ/nhóm, câu lạc bộ đang hoạt động của hội. Thông qua các mô hình góp phần nâng cao năng lực, kiến thức cho phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.

Chị Chu Thị Thùy, thành viên mô hình ”Phụ nữ biên giới xây dựng mái ấm bình yên” tại xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cho biết: Mô hình hiện có 25 thành viên, định kỳ sinh hoạt mỗi quý 1 lần, tham gia mô hình, chúng tôi được cung cấp kiến thức về nội dung đề án với nhiều kiến thức bổ ích về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, cách chăm sóc giáo dục con cái… Từ đó, chúng tôi mạnh dạn, chủ động hơn, sẵn sàng lên tiếng, nắm được cách thức để bảo vệ bản thân tránh khỏi bạo lực, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan trong cuộc sống hằng ngày.

Có thể nói, sau hơn 4 năm thực hiện đề án đã mang lại hiệu quả bước đầu, 6/6 mục tiêu của đề án đặt ra giai đoạn 2017 – 2021 đều đạt và vượt, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của người dân, phụ nữ về ý thức chấp hành pháp luật. Từ đó, phát huy tính chủ động của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Đơn cử năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 114 vụ bạo lực gia đình (giảm 7 vụ so với năm 2020), xảy ra 21 vụ/22 trẻ em bị xâm hại (giảm 4 vụ/5 trẻ em bị xâm hại so với 2020)…

Nguồn: baolangson.vn