Skip to main content
Ban biên tập | 25 July 2022

Đây là một trong những giải pháp quan trọng mà ngành y tế đang hướng tới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS để đạt được mục tiêu Chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

cc

Bàn truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Các mục tiêu cẫn còn khá xa...

Theo mục tiêu chiến lược, Việt Nam cần đạt: 80% thanh niên 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và 80% người dân 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Trên thực tế sau hơn 30 năm phòng, chống HIV/AIDS hiểu biết của người dân Việt Nam về HIV vẫn còn hạn chế; kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV tuy đã được cải thiện nhưng còn khá xa với mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, vì vậy cần tăng cường công tác truyền thông hơn nữa trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Truyền thông luôn là một trong những biện pháp chủ yếu, đặc biệt quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS. Không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, truyền thông còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Đồng thời, góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, từ đó đã góp phần kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Bên cạnh việc tăng cường truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành y tế cũng đang chú trọng đổi mới thông điệp và kênh truyền thông cho phù hợp với xu hướng truyền thông hiện nay. Tập trung sử dụng truyền thông công nghệ kỹ thuật số.

Triệt để lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các lĩnh vực sức khỏe và xã hội khác trong các sự kiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp...; huy động và sử dụng nguồn kinh phí nhà nước trung ương, địa phương, nguồn tài trợ và xã hội hóa cho hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

Chú trọng truyền thông đến nhóm đối tượng đích

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại toàn quốc phát hiện khoảng 242.000 người nhiễm HIV. Năm 2021, cả nước phát hiện hơn 13.000 người nhiễm HIV và 1.855 người nhiễm HIV tử vong. HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam, chính vì vậy việc tăng cường và đổi mới công tác truyền thông trong phòng, chống HIV là việc làm rất cần thiết.

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, do dịch HIV tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát vì vậy Cục đang đặc biệt chú trọng đến các nhóm đối tượng đích, truyền thông đến cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, chú trọng truyền thông nội dung các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Chiến lược quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Để giúp người nhiễm HIV sớm phát hiện tình trạng bệnh, tiếp cận điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ thì mô hình tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV cũng là một nội dung cần tăng cường truyền thông.

Hiện nay số trường hợp nhiễm mới HIV đang gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, vì vậy điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP): Lợi ích cũng như sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ điều trị là chương trình rất quan trọng nhằm ngăn chặn lây nhiễm mới trong nhóm này.

Ngoài ra không thể không chú trọng vào lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị. Việt Nam đã là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao. Việt Nam cũng là số ít nước đã chuyển đổi thành công từ việc điều trị HIV chủ yếu bằng nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế, bảo đảm sự bền vững không chỉ cho chương trình và cả bệnh nhân tham gia điều trị.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, giải pháp vượt qua các thách thức dịch COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục bao gồm các mô hình hay, các sáng kiến của hệ thống cung cấp dịch vụ, vai trò cộng đồng cũng như sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh dịch COVID-19 bao gồm cả các hướng dẫn và triển khai các hướng dẫn để khách hàng có thể tiếp cận được với các dịch vụ điều trị Methadone, ARV một cách liên tục...

Nguồn: tiengchuong.vn