Skip to main content
Ban biên tập | 30 June 2022

Tính đến 31/5/2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ghi nhận lũy tích 3.089 người nhiễm HIV, trong đó 2.882 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 2.145 người tử vong do AIDS và các bệnh liên quan. Còn sống là 944 người, bao gồm 528 nam và 416 nữ. Số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV còn sống là 18 trẻ, bao gồm 3 trẻ nam và 15 trẻ nữ. 16/18 trẻ hiện nay đang được điều trị ARV, 02 trẻ mới phát hiện chưa được đưa vào điều trị.

cc

Tư vấn điều trị ARV cho phụ nữ nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc

HIV lây truyền qua 3 con đường chính là đường máu, đường tình dục, đường mẹ truyền sang con. Mặc dù đến nay trên thế giới vẫn chưa tìm ra được cách nào chữa khỏi bệnh AIDS, song các nhà khoa học cũng đã tìm ra được nhiều loại thuốc có tác dụng kiềm chế sự phát triển của vi rút HIV, góp phần làm nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người khác.

HIV là tên của một loại vi rút gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Để phòng lây nhiễm HIV từ người này sang người khác, đặc biệt là từ mẹ sang con thì người nhiễm HIV cần phải được chẩn đoán và điều trị can thiệp toàn diện kịp thời.

Tuy nhiên để đạt được hiệu quả như mong muốn, người nhiễm HIV phải được phát hiện sớm và sử dụng thuốc điều trị ARV thường xuyên, liên tục theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ. Đặc biệt để đề phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, người mẹ nhiễm HIV cần phải được can thiệp từ trước khi mang thai cho đến thời kỳ nuôi con bú.

Bác sỹ Hoàng Thị Đặng, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tại tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm người mẹ bị nhiễm HIV để can thiệp điều trị ARV kịp thời; Chăm sóc khi chuyển dạ và dự phòng sau sinh cho trẻ bằng thuốc ARV; tư vấn hỗ trợ chăm sóc và chuyển tuyến, chuyển tiếp điều trị. Nếu người mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng sớm và đúng cách thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ từ 2 – 8%, cũng tức là số trẻ an toàn sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV là 92- 98%.

Từ năm 2015 trở lại đây, tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện hiện các hoạt động can thiệp toàn diện đối với phụ nữ nhiễm HIV muốn sinh con, kết quả là hàng năm đã có trung bình khoảng 10 trường thực hiện sinh con. Kết quả 100% trẻ em sinh ra từ người mẹ được can thiệp toàn diện sớm đều không bị nhiễm HIV từ người mẹ.

Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả đó, người mẹ phải được sử dụng thuốc dự phòng lây nhiễm HIV đúng đủ về liều lượng và thời gian từ trước khi có ý định mang thai cho đến khi hết thời gian cho con bú mẹ. Đồng thời cũng phải áp dụng các biện pháp can thiệp khác theo hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa.

Hiện nay HIV vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Mục đích của điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV là ngăn chặn sự phát triển của vi rút HIV để giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

Nguyên tắc sử dụng thuốc ARV là phải uống liên tục, suốt đời; sử dụng ít nhất 3 loại thuốc; đòi hỏi tuân thủ điều trị trên 95%; uống đúng thời gian, uống đúng liều và uống đúng cách. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc điều trị, vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như: không sử dụng chung bơm kim tiêm và luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để đảm bảo không lây truyền HIV ra cộng đồng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn, trường hợp trẻ em sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút HIV gần đây nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là trong năm 2019, do người mẹ không được tiếp cận sớm với thuốc điều trị ARV. Trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng có 5 trẻ đẻ ra từ người mẹ nhiễm HIV, bao gồm 03 trẻ đẻ ra từ người mẹ đang điều trị ARV (cả 3 trẻ đều đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với vi rút HIV) và 02 trẻ đẻ ra từ người mẹ phát hiện nhiễm HIV trong quá trình sinh đẻ (02 trẻ đều chưa có kết quả xét nghiệm PCR), nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ người mẹ là rất cao. 

Để không còn trẻ em bị nhiễm HIV từ người mẹ trong quá trình mang thai, quá trình chuyển dạ và cho con bú, ngay trước và sau khi mang thai, người phụ nữ cần phải xét nghiệm HIV để biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, từ đó có thể đưa ra các biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Nguồn: soyte.langson.gov.vn