Skip to main content
Ban biên tập | 7 August 2018

          Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thực tiễn giải quyết các vụ án mua bán người cho thấy, tội phạm mua bán người là loại tội phạm ẩn, thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Điều này dẫn việc truy tố gặp nhiều khó khăn.

          Tội phạm mua bán người là loại tội phạm ẩn, số vụ án được phát hiện chỉ chiếm số lượng nhỏ so với tổng số các vụ mua bán người chưa được phát hiện, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến với tính chất phức tạp, đa dạng, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi; nhiều vụ phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.

          Thủ đoạn của bọn tội phạm là lợi dụng những phụ nữ trẻ tuổi ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế về nhận thức pháp luật, sinh con ngoài ý muốn, lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của các nữ sinh để lấy cớ yêu đương; lợi dụng một  số người có nhu cầu đi lao động nước ngoài hoặc tìm việc làm; lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước để môi giới hôn nhân, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để dụ dỗ, lừa gạt rồi bán các nạn nhân ra nước ngoài hoặc đưa vào các tụ điểm trong nước ép làm gái mại dâm hoặc cưỡng bức lao động.

          Theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, từ năm tháng 11/2015 đến tháng 4/2018, toàn quốc đã khởi tố, điều tra 556 vụ/1.028 bị can về tội mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Trong đó, những địa phương phát hiện và khởi tố, điều tra nhiều như Lào Cai (44 vụ/97 bị can), Nghệ An (43 vụ/ 69 bị can), Lai Châu (24 vụ/37 bị can), Hà Giang (23 vụ/40 bị can), Lạng Sơn (19 vụ/32 bị can), Sơn La (19 vụ/40 bị can), Yên Bái (17 vụ/41 bị can), Quảng Ninh (14 vụ/29 bị can), Bạc Liêu (11 vụ/13 bị can)...

          Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 562 vụ/946 bị can về tội mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.

          Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 572 vụ/1.104 bị cáo về tội mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, trong đó có nhiều bị cáo đã bị tuyên phạt với mức án cao, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và đ­­ược dư­­ luận xã hội đồng tình ủng hộ.

          Thực tiễn giải quyết các vụ án mua bán người cho thấy, tội phạm mua bán ngườilà loại tội phạm ẩn, thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện, nên quá trình điều tra, truy tố; việc thu thập chứng cứ chủ yếu dựa vào lời khai người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội; nếu người bị hại tố cáo và khai rằng bản thân mình hoặc mình cùng nhiều người khác bị lừa bán, nhưngđối tượng phạm tội không thừa nhận thì rất khó chứng minh tội phạm. Chính vì vậy dễ dẫn đến việc xử lý oan cho người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội.

          Trong trường hợp xác định được người phạm tội, xác định được chứng cứ chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người nhưng không xác định được người bị hại (do người bị hại vẫn đang ở nước ngoài nhưng không lấy được lời khai), nhiều địa phương chưa thống nhất trong cách giải quyết: có địa phương khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, nhưng cũng có những địa phương không phê chuẩn hoặc trả hồ sơ để yêu cầu xác định và đưa người bị hại vào tham gia tố tụng; việc này là không thể thực hiện được nên các vụ án thường bị tạm đình chỉ hoặc kéo dài.

          Đối với các vụ án mua bán người không quả tang, rất khó xác định tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự 2015 “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” vì trong trường hợp này, chúng ta chỉ xác định được trong trường hợp nạn nhân trở về và tố cáo với cơ quan công an thì mới xác định được còn trong trường hợp có đủ chứng cứ đề chứng minh đối tượng phạm tội có hành vi mua bán nhiều người nhưng có những người chưa trở về, chưa xác định được địa chỉ họ đang ở đâu, nếu họ đã bị lấy đi bộ phận cơ thể nào đó thì xử lý thế nào? Tương tự như vậy, tình tiết “Làm nạn nhân tự sát” cũng rất khó xác định trong trường hợp không xác định được người bị hại đang ở đâu nếu họ tự sát do bị làm nhục thì cũng không có căn cứ để xử lý đối với người phạm tội.

          Việc xác định thiệt hại, giá trị vụ lợi là rất khó khăn trong thực tiễn, bởi việc mua bán được thỏa thuận thực hiện giữa người mua và người bán mà người bị hại có thể biết hoặc không thể biết được giá trị mua bán của bản thân mình, dẫn đến việc không thể xác định được giá trị của vụ lợi; đặc biệt trong trường hợp người mua ở nước ngoài thì cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người phạm tội để xác định, việc chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội có giá trị chứng minh thấp và không khách quan.

Nguồn: tiengchuong.vn