Skip to main content
Ban biên tập | 6 August 2021

           Được thành lập theo Quyết định số 101/QĐ-TCCB ngày 04/8/1995 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ngày đầu thành lập BHXH tỉnh có 15 đơn vị trực thuộc, gồm 11 BHXH huyện, thị xã và 05 phòng nghiệp vụ. Đến năm 2003, thực hiện Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg ngày 24/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Bảo hiểm y tế (BHYT) sang BHXH, BHXH Lạng Sơn và BHYT Lạng Sơn chính thức trở thành một tổ chức thống nhất, với tên gọi BHXH tỉnh Lạng Sơn, trực thuộc BHXH Việt Nam. Với hơn 60 công chức, viên chức, lao động từ những ngày thành lập Ngành, đến nay toàn tỉnh có hơn 200 cán bộ công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc tại BHXH 10 huyện và 10 phòng nghiệp vụ.

Trụ sở BHXH tỉnh Lạng Sơn

Từ những ngày đầu thành lập đến nay, BHXH tỉnh Lạng Sơn luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, BHXH Việt Nam trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của toàn thể công chức, viên chức, lao động ngành BHXH qua các thời kỳ, 26 năm BHXH xây dựng và phát triển, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành BHXH là công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Những năm qua công tác này luôn được BHXH tỉnh tích cực chủ động triển khai thực hiện thông qua việc áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đưa chính sách đến từng nhóm đối tượng. Nếu năm 1995 chỉ có 19.000 người tham gia BHXH, BHYT thì đến hết tháng 6/2021 số người tham gia do BHXH tỉnh trực tiếp quản lý đã tăng lên gấp nhiều lần, với hơn 738.600 người tham gia BHYT (gấp gần 39 lần), bằng 93,3% dân số và khoảng 65.400 người tham gia BHXH (gấp trên 3 lần), chiếm 13,1% lực lượng lao động. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện hơn 12.900 người, chiếm 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 1,6% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2021 của Nghị quyết số 28-NQ/TW (1,0%) đã đề ra. Cùng với số người tham gia thì đối tượng tham gia cũng được mở rộng, nếu như năm 1995 đối tượng tham gia BHXH, BHYT chỉ bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước, thì đến nay đối tượng tham gia đa dạng, thuộc mọi thành phần trong xã hội, người nông dân hay tiểu thương, người làm việc tự do cũng được tham gia BHXH, BHYT và được hưởng đầy đủ chính sách BHXH, BHYT như đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đi đôi với công tác phát triển đối tượng, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng qua các năm, năm sau số thu luôn tăng cao hơn năm trước. Nếu năm 1995 số thu toàn tỉnh chỉ đạt hơn 6 tỷ đồng thì hiện tại số thu đã gấp khoảng 270 lần. Từ năm 2015 số thu của BHXH tỉnh đã trên 1.000 tỷ mỗi năm và những năm gần đây số thu trung bình của BHXH tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Số đối tượng và số thu tăng đều qua các năm đã thể hiện những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị nói chung, của BHXH tỉnh Lạng Sơn nói riêng trong việc tuyên truyền, phát triển người tham gia. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng cao đồng nghĩa với việc mạng lưới an sinh xã hội ngày càng được mở rộng và phát triển, ngày càng có nhiều người hết tuổi lao động, ốm đau, bệnh tật, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đều được quỹ BHXH đảm bảo cuộc sống, quỹ BHYT đảm bảo chi phí khám, chữa bệnh, nhiều người mắc các bệnh nan y, kinh tế khó khăn, nhưng nhờ tham gia BHYT đã điều trị khỏi bệnh mà gia đình không bị lâm vào cảnh túng quẫn, khó khăn.

Bên cạnh việc phát triển đối tượng tham gia, công tác giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT luôn được BHXH tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vì giải quyết tốt các chế độ là sự đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, đảm bảo tính bền vững của chính sách, thể hiện sự cam kết của Nhà nước đối với Nhân dân, xây dựng lòng tin của Nhân dân. Từ năm 1995 đến nay mỗi năm trung bình BHXH tỉnh đã giải quyết hàng nghìn người hưởng chế độ BHXH, BHTN với tổng chi lên đến hơn 15.100 tỷ đồng. Hiện nay BHXH tỉnh đang quản lý và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho gần 30.000 người hưởng, số người hiện đang hưởng chế độ hưu trí chiếm 27,4% số người sau độ tuổi nghỉ hưu trong tỉnh. Từ năm 2003 đến nay ngành BHXH đã cùng với ngành y tế đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho cho hơn 13,5 triệu lượt người với tổng chi khoảng 3.400 tỷ đồng. Nếu như năm 2003 chỉ có trên 8.460 lượt người khám chữa bệnh với số chi hơn 218 tỷ đồng thì năm 2020 đã có trên 563.200 lượt người khám với số chi gần 978 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã có gần 461.000 lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi khoảng 262 tỷ đồng, bằng 51% dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2021 của tỉnh.

Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được BHXH tỉnh thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và của BHXH Việt Nam, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa và cắt giảm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử vào giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện giúp rút ngắn các thủ tục, góp phần công khai, minh bạch quá trình tham gia, thụ thưởng chính sách BHXH, BHYT. Nổi bật là ứng dụng VssID – BHXH số được triển khai vào tháng 11/2020, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 44.600 người đăng ký và cài đặt, sử dụng ứng dụng.

Với những nỗ lực trong suốt 26 năm xây dựng và phát triển, BHXH tỉnh Lạng Sơn đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu cao quý của BHXH Việt Nam cho tập thể và các cá nhân xuất sắc trong toàn ngành. Tiếp nối truyền thống những năm qua, BHXH tỉnh Lạng Sơn nói chung và mỗi công chức, viên chức, lao động ngành BHXH sẽ nỗ lực hơn nữa trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, hướng đến mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn./.

Phạm Hoa