Skip to main content
Ban biên tập | 7 August 2018

          Hiện nay, việc hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trở về hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ nhiều mặt như thiếu văn bản pháp luật hướng dẫn những vấn đề của nạn nhân và tội phạm mua bán người.

          Là người đã hỗ trợ pháp lý và tham gia giải cứu nhiều phụ nữ, trẻ em bị mua bán, Luật sư Tạ Ngọc Vân, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh cho biết, tội mua bán người được quy định tại Điều 150, 151 Bộ Luật hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2018. Đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện trên trong khi các điều luật trên còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

          Cụ thể, theo Luật sư Tạ Ngọc Vân, các điều luật không quy định rõ về yếu tố “đồng thuận” và “lừa gạt” khi nạn nhân là người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Nếu nạn nhân trong độ tuổi này mà “đồng ý” thì không xử lý được đối tượng

          Trong vụ án mua bán người, lời khai của nạn nhân là “mấu chốt” đặc biệt quan trọng để tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên, thực tế khi nạn nhân không trở về (đã chết hoặc tự sát khoản 3-Điều 150) thì không xử lý đối tượng. Cơ quan điều tra không áp dụng khoản 5 điều 62 Bộ Luật tố tụng hình sự (trong trường hợp nạn nhân đã chết hoặc mất tích….).

          Theo quy định tại điều 150 và 151 thì không xử lý được đối tượng tự bán bào thai của mình vì không xác định được đây là một bộ phận cơ thể người hay là trẻ em (vì bé chưa sinh ra). Không quy định rõ về tình tiết định khung "Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước CHXHCN Việt Nam”. Chứng cứ vật chất liên quan đến tình tiết này khi nạn nhân tự trở về. Không quy định về hậu quả của hành vi “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ dưới 31%” trong khi gây thương tích trong khi tội cố ý gây thương tich quy định "gây thương tich từ 11% trở lên” là đã bị khởi tố.

          Điều luật cũng không quy định về mục đích bị bán làm vợ hoặc ép buộc kết hôn thì thuộc trường hợp nào: Bóc lột tình dục? Vô nhân đạo khác? Không quy định rõ về tội mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động với cưỡng bức lao động hoặc vi phạm hợp đồng lao động (không trả lương, làm nhiều giờ…).

          Về hỗ trợ bồi thường cho nạn nhân, Luật sư Tạ Ngọc Vân cho biết, hiện mức yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật rất thấp so với thiệt hại thực tế xảy ra: Không quá 30 lần lương cơ sở do tổn thất về tinh thần và sức khỏe và không quá 10 lần mức lương cơ sở do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm hại. Bên cạnh đó những yêu cầu về chứng cứ liên quan đến chi phí trong quá trình đòi yêu cầu bồi thường, đặc biệt là việc xác định thu nhập thực tế của nạn nhân, tổn hại về thương tích và tinh thần, chi phí tìm kiếm của phía gia đình nạn nhân là không phù hợp.

          Việc thi hành án thiếu quyết liệt dẫn đến việc thực hiện các quy định của toà án khó khăn; phần lớn các trường hợp không có khả năng thi hành án do kẻ mua bán người không có tài sản để đảm bảo thi hành án. Không thường xuyên áp dụng các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm thực hiện thi hành án (kê biên, phong tỏa tài sản…). Đối với trường hợp có tài sản để đảm bảo thi hành thì việc thi hành án cũng vô cùng khó khăn do có nhiều cơ quan cùng phối hợp thi hành, thời gian kéo dài khiến nạn nhân mệt mỏi, phải làm nhiều thủ tục, mất nhiều chi phí đi lại…

          Bên cạnh đó là khó khăn trong việc hỗ trợ nạn nhân trong quá trình lấy lời khai tại cơ quan điều tra do nạn nhân ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn. Nhiều nạn nhân có tâm lý sợ hãi, nhận thức còn hạn chế, nhiều người không nhận thức được mình bị lừa. Nạn nhân bị kẻ mua bán làm giả giấy tờ để xuất cảnh khiến cho việc xác minh thông tin gặp trở ngại. Có nhiều trường hợp nạn nhân không muốn hợp tác để khai báo và tham gia phiên tòa do sang chấn về tâm lý, sợ bị kỳ thị hoặc đối tượng là người nhà, thậm chí là người yêu của nạn nhân.

          Theo Luật sư Tạ Ngọc Vân, để khắc phục những tình trạng trên, cần kịp thời ban hành hướng dẫn liên quan đến hạn chế tại điều 150 và 151. Các cơ quan liên quan cần có các biện pháp giao tiếp phù hợp khi tiếp xúc với nạn nhân, đặc biệt là thái độ, ngôn từ…Tăng mức bồi thường và chấp nhận các đề nghị phù hợp liên quan đến chi phí thực tế mà không có hóa đơn chứng từ đầy đủ do điều kiện kinh tế - xã hội khách quan mang lại. Quy định về mua bán người với mục địch làm vợ hoặc mua bán người trong nội địa cần xử lý hình sự nghiêm khắc. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất để bảo đảm sự thoải mái, riêng tư trong quá trình nạn nhân làm việc lấy lời khai cũng như đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của nạn nhân, tránh làm xáo trộn hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sau này của họ; đặc biệt ở vùng quê.

          Hiện nay, Tổ chức Rồng Xanh đang hỗ trợ đưa nạn nhân trở về đoàn tụ gia đình; hỗ trợ tài chính và làm việc với địa phương (nếu phía gia đình đã trình báo với địa phương) để sửa, bổ sung hoặc làm lại giấy tờ cá nhân cho nạn nhân và người đi cùng (khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, học bạ). Hướng dẫn nạn nhân viết đơn trình báo tới các cơ quan tiến hành tố tụng. Hỗ trợ các thủ tục xin học, học nghề và tái hòa nhập cộng đồng./.

Nguồn: tiengchuong.vn