Skip to main content
Ban biên tập | 14 July 2021

Trong những tháng đầu năm 2021, BĐBP đã kiểm soát chặt chẽ biên giới, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phòng, chống dịch Covid-19 lây lan vào nước ta. Nhờ vậy, hoạt động của các loại tội phạm trên toàn tuyến biên giới cơ bản được kiềm chế, đẩy lùi. Tuy nhiên, do lợi nhuận mang lại lớn, các đường dây, tổ chức tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người vẫn lén lút hoạt động và diễn biến phức tạp, khó lường.     

3 đối tượng trong đường dây tội phạm mua bán người bị lực lượng của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với BĐBP Quảng Ninh bắt giữ vào ngày 18-3-2021. Ảnh: Ban Chuyên án cung cấp

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng trong BĐBP, hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới của nước ta vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Các đối tượng cư trú trong nội địa móc nối với các đối tượng ở khu vực biên giới, người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, tạo thành đường dây tội phạm khép kín nhằm dụ dỗ lừa đưa nạn nhân ra nước ngoài bán trục lợi. Tham gia các đường dây tội phạm, ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động chuyên nghiệp, còn có một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng nước ngoài, các đối tượng cư trú, buôn bán, kinh doanh trên biên giới, thông thuộc địa hình cũng tham gia tiếp tay, đưa dẫn nạn nhân xuất cảnh trái phép.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi với nhiều hình thức khác nhau, như: Lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để đưa nạn nhân ra nước ngoài bán; môi giới cho - nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; “cò” môi giới việc làm để mua bán nam thanh niên xuống các tàu đánh cá trên biển... Để tránh sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng, tội phạm mua bán người triệt để lợi dụng các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Wechat...) tạo tài khoản ảo để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân.

Đáng chú ý, nổi lên các hoạt động quảng cáo tuyển lao động là người Việt Nam làm việc tại Campuchia, sau đó, bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến và các “động” mại dâm. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện trường hợp các đối tượng cho nạn nhân sử dụng chất ma túy, sau đó khống chế, ép buộc lao động trên các tàu đánh cá trên biển.

Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái có độ tuổi từ 15 đến 28, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số muốn có việc làm thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài... nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế để bán ra nước ngoài. Ngoài ra, một số nam thanh niên có nhu cầu việc làm cao nên dễ bị các đối tượng ở khu vực phía Nam dụ dỗ, ép buộc, cưỡng bức lao động trên các tàu cá khai thác hải sản.

Trước tình hình đó, các đơn vị BĐBP trên toàn tuyến biên giới đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đồng thời, triển khai công tác điều tra, xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh với tội phạm mua bán người. Đối với công tác phòng ngừa, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người đối với nhóm có nguy cơ cao bị mua bán như phụ nữ, trẻ em sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các trường học ở khu vực biên giới... Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị BĐBP đã tổ chức tuyên truyền được 12.883 buổi với 373.009 lượt người tham gia; xây dựng, đăng phát 4 phóng sự và hơn 1.000 tin, bài viết về kết quả phòng, chống tội phạm; cấp phát 4.615 tờ rơi; tổ chức cho hàng nghìn hộ dân trên biên giới ký cam kết tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép...

Qua công tác tuyên truyền của các đơn vị, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đối với cán bộ và quần chúng nhân dân khu vực biên giới trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp BĐBP và các lực lượng chức năng xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá thành công nhiều các đường dây mua bán người.

Cùng với công tác tuyên truyền, các đơn vị BĐBP tích cực, chủ động tăng cường lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình địa bàn, trao đổi thông tin, điều tra, xác minh hoạt động của tội phạm mua bán người, khai thác nạn nhân được giải cứu và tiếp nhận nạn nhân. Qua đó, đã triển khai 48 kế hoạch nghiệp vụ, phát hiện 21 đường dây nghi vấn mua bán người từ Việt Nam ra nước ngoài và mua bán người nhằm mục đích bóc lột lao động trên các tàu khai thác hải sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, bắt giữ 21 vụ với 18 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận 34 nạn nhân (tăng 5 vụ, 15 đối tượng, 16 nạn nhân so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị bảo vệ biên giới của các nước láng giềng tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia tiếp tay cho tội phạm mua bán người.

Hiện nay, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đang phát động đợt cao điểm tấn công với tội phạm mua bán người trên toàn tuyến biên giới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mua bán người, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác tự phòng ngừa cho người dân, đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm ở khu vực biên giới.

Nguồn: bienphong.com.vn