Skip to main content
Ban biên tập | 9 July 2021

2 năm qua, nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, tội phạm mua bán người có chiều hướng giảm. Nhưng vì siêu lợi nhuận, các đối tượng mua bán người liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật và hình thành nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp.

Buôn bán người là vấn đề xã hội mang tính xuyên quốc gia. Hiện khoảng 152 nước trên thế giới phải đối mặt với vấn đề này. Những năm gần đây, tình trạng mua bán người thường thông qua việc đưa người di cư trái phép từ các nước châu Á, châu Phi sang các nước châu Âu. Theo số liệu của Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNOCD), trên thế giới, hiện khoảng 244 triệu người di cư và số người này vẫn tiếp tục gia tăng do tác động của các vấn đề xã hội như: Khủng bố, nội chiến, xung đột và bạo lực ở nhiều quốc gia, dịch bệnh… Việt Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kong là một trong những điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp.

Nạn nhân của buôn bán người

Buôn bán người có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để chuyển giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp hoặc môi giới để thực hiện hành vi buôn bán, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi chuyển giao để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Một người có thể được xác định là nạn nhân khi có một trong những căn cứ sau: Người đó là đối tượng bị mua bán, chuyển giao, tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; người đó là đối tượng bị tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nhằm mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Phòng, chống buôn bán người trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hành vi buôn bán người được cấu thành bởi 3 yếu tố đó là phương thức, thủ đoạn và mục đích.

Phương thứ buôn bán người là tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, tiếp nhận người.

Thủ đoạn là đe doạ hay sử dụng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa lọc, dối trá, lạm dụng quyền lực hay vị thế bị thương tổn hay cho nhận tiền hay lợi ích để đạt được sự chấp thuận của một người đóng vai trò kiểm soát người khác.

Mục đích để kiếm lợi nhuận bằng tài chính hay hiện vật thông qua hình thức bóc lột (cụ thể với mục đích mại đâm, lấy bộ phận cơ thể, để đưa ra nước ngoài và sử dụng nguồn nhân lực). Riêng hành vi mua bán trẻ em chỉ cần 2 yếu tố là phương thức và mục đích.

Buôn bán người và đưa người di cư trái phép

Giữa mua bán người và đưa người di cư trái phép có các điểm khác nhau cơ bản sau như:

Chi phí dịch vụ: Trong các trường hợp mua bán người không có sự thỏa thuận về các phí dịch vụ giữa nạn nhân và những kẻ mua bán người. Ngược lại, đưa người di cư trái phép, giữa kẻ tổ chức và nạn nhân có sự thỏa thuận về phí đi lại, phí môi giới việc làm, phí làm giả giấy tờ. Người di cư trái phép phải trả trước các loại phí này.

Yếu tố đồng tình: Đưa người di cư trái phép là có sự đồng tình của người di cư thông qua giao dịch có đầy đủ thông tin về chi phí, phải chi trả trực tiếp cho các chi phí đó, biết rõ nơi đến. Mua bán người thì đối tượng không có sự đồng tình hay đồng ý hoặc phải đồng ý từ sự cưỡng ép, lừa gạt.

Yếu tố bóc lột tại nơi đến: Đối với đưa người di cư trái phép, người nhập cư đến địa điểm thoả thuận và được tự do đi đâu, làm gì tuỳ ý. Đối với mua bán người, nạn nhân bị khống chế, không cho tự do đi lại, tự do tìm việc làm, bị khống chế phải làm việc trong các điều kiện không đảm bảo an toàn.

Về hành vi: Đều có sự vận chuyển, chuyển giao, đưa một người vượt qua biên giới, hướng tới mục đích thu lợi nhuận. Đưa người di cư trái phép lợi nhuận dưới hình thức tài chính. Mua bán người, ngoài lợi nhuận tài chính còn bóc lột lâu dài.

Tính chất xuyên quốc gia: Đưa người di cư trái phép luôn là hoạt động xuyên biên giới, còn mua bán người có mua bán ở ngay trong nước hoặc đưa đi nước ngoài và thường do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thực hiện.

Một số người di cư trái phép, là lao động có hợp đồng, có sự trao đổi thỏa thuận về tiền công lao động nhưng họ vẫn không được biết đầy đủ, chính xác về điều kiện làm việc, chế độ trả công, họ bị giam giữ hoặc cách ly làm việc với đời sống xã hội, tước giấy tờ tùy thân để lao động thì cũng coi là mua bán người.

Một số giải pháp phòng chống buôn bán người

Với tính chất phức tạp của vấn đề buôn bán người, các cấp chính quyền cần làm gì đề ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả vấn đề buôn bán người; đồng thời giải quyết, hỗ trợ kịp thời với các nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định?

Quản lý tốt khu dân cư: Nắm chắc số người có hộ khẩu, số khai báo tạm trú tạm vắng để kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ bị buôn bán người.

Đạo tạo nghề: Hiện Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề rất ưu đãi cho lao động miền núi, lao động nông thôn như: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, gồm mức hỗ trợ chi phí đào tạo. Quyết định số 53 quy định về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp được hưởng học bổng nhằm hỗ trợ các địa phương định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề cho người dân. Hiện nhiều địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện các chính sách trên nên người dân chưa được thụ hưởng chính sách này.

Tạo việc làm: Song song với đào tạo nghề cần có kế hoạch xây dựng mở các khu công nghiệp khu chế xuất, khu du lịch hoặc các vùng phát triển cây ăn quả, cây nguyên liệu để tạo việc làm cho ngươi dân ở địa phương, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số… Vì hầu hết người bị lừa bán đều với chiêu bài có việc làm và thu nhập tốt, người dân hy vọng đi các nước để có việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống của bản thân, đây chính là nhu cầu rất chính đáng của mỗi người dân.

Phát triển, quản lý cộng đồng dân cư cấp xã/phường theo hướng xây dựng mạng lưới trong cộng đồng, mạng lưới trong cộng đồng chính là phát triển các tổ chức chính trị, xã hội, các hộ đoàn thể, các nhóm dân cư để cùng nhau quản lý và phát triển tốt đời sống dân cư, trên cơ sở đó xây dựng sức mạnh của cộng đồng trong việc phòng chống buôn bán người.

Với sự quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển lực lượng công an chính quy cấp xã/ phường, đây là một nguồn lực rất hữu hiệu trong việc phòng chống buôn bán người tại các địa phương. Lực lượng công an cấp xã/phường cần xây dựng mối quan hệ tốt với người dân, gần dân, đi sâu đi sát với dân. Dân tin tưởng công an mới chia sẻ các thông tin với lực lượng công an, từ đó công an sẽ triển khai kịp thời các hoạt động phòng chống buôn bán người.

Người dân cần nhận được các thông tin về phương thức, thủ đoạn trong chiêu bài lừa dẫn đến việc buôn bán người. Do đó cần truyên truyền cung cấp thông tin tới các hộ gia đình để phòng tránh.

Cần mở các lướp tập huấn các kiến thức kỹ năng làm cha mẹ, kiến thức quản lý gia đình, nuôi dạy con cái cho các thế hệ phụ huynh để các em thực sự được lớn lên trong gia đình tràn đầy tình yêu thương; giúp các em có điểm tựa vũng chắc trong việc học tập, tu dưỡng rèn luyện và bước vào đời.

Nạn nhân đã được giải cứu trở về địa phương hoặc tự trở về cần được tiếp nhận, được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cộng đồng cần tạo điều kiện cho người buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, tránh phân biệt kỳ thị với đối tượng này, gây rào cản cho người bị buôn bán trở về không hòa nhập với gia đình, cộng đồng.

Chú trọng xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự, tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ án về cưỡng bức lao động và buôn người trong nước.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, các nước châu Âu (Vương quốc Anh…).

Tổ chức thực hiện hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Công ước ACTIP), Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC) và Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền phòng ngừa; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống buôn bán người.

Phối hợp tốt với cơ quan chức năng các nước, trấn áp tội phạm mua bán người, trao đổi thông tin kịp thời trong đấu tranh, triệt phá các chuyên án, vụ án mua bán người; đặc biệt với các nước có đường biên giới với Việt Nam để tăng cường, xử lý hiệu quả các thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người và nạn nhân nghi bị mua bán.

Trước tác động tình hình dịch Covid 19 kéo dài, một loạt các công ty xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa tạm thời hoặc dài hạn, số người không có việc làm tăng lên, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đây cũng là cơ hội cho vấn đề buôn bán người có cơ hội phát triển. Trước diễn biến rất tinh vi của tình trạng buôn bán người, rất cần sự vào cuộc chung tay của các cấp chính quyền trong cuộc chiến chống lại vấn đề buôn bán người nhằm gìn giữ cuộc sống yên bình của người dân trong cộng đồng.

Nguồn: baodansinh.vn