Skip to main content
Ban biên tập | 27 September 2020

         Đó là ông Hoàng Văn Luân, sinh năm 1964, thôn Nà Rạ, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia. Ông được nhiều người biết đến bởi gia đình ông là tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Với sự chăm chỉ, chịu khó, dám nghĩ dám làm, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình trồng cây quýt ngay trên mảnh đất quê hương.

         Ông Luân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, nhiều năm trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề, tài sản của vợ chồng ông là mảnh đất khô cằn trong lân bố mẹ để lại.

         Ông Luân chia sẻ: “Hồi ấy, tôi nghĩ với 6 nhân khẩu trong gia đình sẽ không bao giờ đủ ăn nếu chỉ làm mấy sào ruộng. Qua tìm hiểu tôi thấy các lân ở Bắc Sơn người dân trồng quýt phát triển rất tốt, đất trong lân thì tôi có nhưng lại bỏ hoang. Năm 1992, tôi tự ươm và trồng thí điểm 20 gốc, sau thấy cây cho thu hoạch đem lại hiệu quả nên năm 1997, tôi đã mạnh dạn trồng 1.000 gốc, rồi cải tạo đất và tăng dần diện tích. Cứ thế đến nay, gia đình tôi đã có trên 1.200 cây quýt”.

Ông Luân kiểm tra tình hình sâu bệnh của cây quýt

         Vừa trồng, ông Luân vừa rút kinh nghiệm qua học hỏi sách báo, kỹ thuật trồng từ khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thời kỳ cây sinh trưởng, phát triển và giai đoạn cho quả đến cách bón phân hợp lý theo độ tuổi của cây, chủ động nguồn nước tưới cho cây quýt…

         Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu từ 8 – 10 tấn quả, năm được mùa có thể được 15 – 16 tấn, với giá bán trung bình từ 20 – 25 nghìn đồng/kg, thu nhập của gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng/năm.

         Khi hỏi về bí quyết thành công trong việc trồng cây quýt, ông tâm sự: “Phải mạnh dạn đưa loại giống đảm bảo chất lượng vào trồng. Ngoài ra, bên cạnh kinh nghiệm tích lũy được, phải không ngừng học hỏi, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất thì cây mới đạt năng suất cao”.

         Gắn bó với mảnh đất quê hương, ông luôn tâm niệm: trong làm ăn, sản xuất không phải lúc nào cũng thuận lợi mà phải trải qua những khó khăn, quan trọng là phải có nghị lực vượt qua khó khăn đó.

         Cùng với cây quýt, gia đình ông kết hợp trồng hơn 400 cây mác mật xung quanh vườn quýt. Với cây mác mật, gia đình ông không phải bỏ công chăm sóc nhiều vì cây rất dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Hằng năm, đến mùa thu hoạch, gia đình ông bán ra thị trường khoảng 4 – 5 tấn quả, đặc biệt là bán lá quanh năm cho các thương lái tại tỉnh Thái Nguyên. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình ông cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ cây mác mật.

         Tận dụng bãi cỏ xung quanh vườn quýt, từ năm 2005 đến nay, gia đình ông Luân còn mạnh dạn chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả. Cứ khoảng 2 – 3 năm gia đình ông lại được xuất bán một lứa, đem lại thu nhập 30 – 40 triệu đồng/lứa. Ngoài ra, ông Luân còn làm lán trong lân chăm sóc cây quýt và nuôi thêm gà thả vườn… Hiện nay, từ mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi, gia đình ông Luân có thu nhập trên 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

         Nhận xét về ông Hoàng Văn Luân, ông Vy Văn Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tô Hiệu cho biết: Ông Luân là hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền được tỉnh, huyện khen thưởng với thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nà Rạ, luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của thôn, xã, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho các hội viên khác.

Nguồn: baolangson.vn