Skip to main content
Ban biên tập | 27 September 2020

         Là người tiên phong “bỏ nhà” lên khai phá đồi hoang để trồng rừng, đến nay, ông Lăng Văn Kời (sinh năm 1957), thôn Giao Thủy, xã Tân Văn, huyện Bình Gia đã có trên 20 ha rừng cho thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm. Năm 2019, ông Kời vinh dự là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được Trung ương Hội Nông dân bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

         Vượt qua con đường đất đá lởm chởm chừng 3 km, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi những cánh rừng xanh ngút ngàn gồm hồi, keo, thông, sở… của ông Lăng Văn Kời.

Ông Kời chăm sóc rừng

         Vừa nhanh tay phát dọn cỏ trong rừng, ông Kời vừa chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Nà Ngùa, xã Hồng Thái (Bình Gia). Năm 1977, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, sau ba năm rèn luyện trong môi trường quân đội, năm 1981, tôi xuất ngũ về quê hương và công tác tại UBND xã Hồng Thái. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi quyết định nghỉ việc về phát triển kinh tế gia đình. Sau đó, tôi bàn với vợ chuyển ra xã Tân Văn dựng nhà, mở cửa hàng kinh doanh”.

         Tuy nhiên, việc buôn bán không được thuận lợi, kinh tế gia đình ông vẫn rất khó khăn. Nhận thấy địa phương có thế mạnh phát triển cây hồi, năm 1987, ông quyết định rời nhà lên rừng làm lán, “ăn nằm” trên rừng 4 năm liền để phát rừng trồng hồi. Nhờ  cần cù, chịu khó, ông đã trồng được 10 ha, đất không phụ công người, rừng hồi của ông phát triển tốt, những năm được mùa, cho thu nhập từ 600 – 700 triệu đồng,  trung bình đạt 300 – 400 triệu đồng/năm. Hằng năm, đến vụ hồi, gia đình ông tạo việc làm cho 5 – 8 người thu hái hồi trong 2 tháng.

         Bên cạnh trồng hồi, năm 2012, ông Kời tiếp tục khai phá đồi hoang trồng được 4 ha cây thông và keo. Vừa qua, gia đình ông đã khai thác rừng keo, thu nhập 200 triệu đồng. Hiện nay, trên diện tích keo đã khai thác, ông Kời tiếp tục cải tạo, cuốc hố chuẩn bị trồng thêm 1.000 cây mắc ca.

         Không dừng lại ở đó, sau khi đi tìm hiểu tại huyện Văn Quan, nhận thấy cây sở dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao, nên năm 2018, ông Kời tiếp tục phát rừng trồng được 5.000 cây sở. Ngoài ra, diện tích đất còn lại, ông trồng cây mỡ, bạch đàn, tận dụng trồng chè dưới tán hồi.

         Cùng với trồng rừng, ông còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn, gà, vịt… và trồng cây ăn quả xung quanh nhà. Đầu năm 2019, ông mạnh dạn nuôi thử 50 con dúi. Từ mô hình trồng rừng, chăn nuôi, hằng năm, gia đình ông Kời có thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

         Trong căn nhà khang trang mới xây, ông Kời chia sẻ: “Cơ ngơi của gia đình tôi ngày hôm nay là từ rừng mà có. Để có được thành quả như vậy, tôi đã phải trải qua không ít khó khăn, vất vả. Bản thân thật sự kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, ngoài ra cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế khi làm. Đồng thời, phải chú trọng chăm sóc, thường xuyên theo dõi, phòng trừ sâu bệnh, phát quang cỏ, bụi rậm, phòng chống cháy rừng”.

         Ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Xuất phát từ hai bàn tay trắng nhưng với sự nỗ lực, chịu khó, đến nay, gia đình ông Lăng Văn Kời đã xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Ông Kời không chỉ là người tiên phong khai phá đất đồi hoang trồng rừng mà còn luôn đi đầu trồng thử nghiệm những cây mới có giá trị kinh tế, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong thôn, xã. Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền ông được tỉnh, huyện khen thưởng vì sản xuất kinh doanh giỏi.

Nguồn: baolangson.vn