Skip to main content
Ban biên tập | 26 September 2020

         Xử lý rác thải hữu cơ là vấn đề được nhiều người quan tâm, mới đây, một số gia đình tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã chọn giải pháp nuôi ruồi lính đen. Qua đó, tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để tạo ra thức ăn cho vật nuôi, hướng tới sản xuất ấu trùng và trứng thương phẩm.

         Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, là một loại côn trùng thiên địch có lợi và có nhiều ở nước ta. Khác với ruồi thông thường, ruồi lính đen không có vòi hút chích và không mang mầm bệnh. Hiện nay, tại rất nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, chúng được nuôi để lấy trứng và ấu trùng. Ấu trùng của loài này chứa hàm lượng dinh dưỡng và protein rất cao, thường được sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, gia súc và cá…

Ông Hoàng Trọng Dũng chuẩn bị lấy ấu trùng ruồi lính đen cho cá ăn

         Là một trong những người luôn tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất, ông Hoàng Trọng Dũng (thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát) đã nuôi thử nghiệm ruồi lính đen. Tìm hiểu qua nhiều tài liệu, từ giữa tháng 6/2019, ông Dũng đã lấy giống từ Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ về nuôi. Sau khoảng 1 tháng, ông thu lứa trứng đầu tiên, 3 ngày sau khi đẻ, trứng nở thành ấu trùng, sau 7 ngày ấu trùng đã có thể được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi.

         Ông Dũng cho biết: Ruồi lính đen là loài dễ nuôi, thức ăn cho chúng cũng rất đơn giản, đã phần là rau, củ, quả hỏng, chất thải chăn nuôi… Ấu trùng ruồi có thể ăn tất cả thức ăn một cách nhanh chóng trước khi các hợp chất hữu cơ tạo ra mùi hôi, vì vậy, phương pháp sử dụng ruồi lính đen giúp giải quyết được vấn đề mùi hôi từ rác thải hữu cơ. Ngoài ra, ruồi lính đen chỉ tạo ra một lượng phân rất nhỏ so với lượng thức ăn chúng ăn vào và gần như không để lại nước thải.

         Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Rác thải hữu cơ sau khi được ăn bởi ấu trùng ruồi lính đen có thể làm giảm đến 80% lượng chất thải cũng như các loại mầm bệnh. Với những ưu điểm trên, nuôi ruồi lính đen được coi là giải pháp rất hữu ích trong xử lý rác thải hữu cơ.

         Hiện nay, gia đình ông Dũng có 6 ô chuồng phục vụ cho việc nuôi ruồi, mỗi ô khoảng 2 m2. Mỗi ngày, đàn ruồi tiêu thụ hơn 30 kg thức ăn, đa phần là chất thải chăn nuôi. Qua đó, chi phí xử lý rác thải hữu cơ của gia đình ông cũng giảm đáng kể. Từ việc tận dụng nguồn rác thải hữu cơ đó, trung bình mỗi ngày, ông thu được 6 kg – 8 kg ấu trùng để làm thức ăn chăn nuôi.

         Không chỉ gia đình ông Dũng, sau khi tham quan một số trang trại nuôi ruồi lính đen tại Hà Nội, Thanh Hóa… hiện tại, xã Gia Cát có 5 hộ đã thử nghiệm mô hình nuôi ruồi này như: ông Vy Văn Nhất (thôn Bắc Đông 2), bà Hoàng Tuyết Lan (thôn Pò Cại)… cùng một số người khác đang đặt mua trứng ruồi lính đen để nuôi.

         Hiện nay, các hộ nuôi ruồi lính đen tại xã Gia Cát đang có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi ruồi để lấy trứng và ấu trùng thương phẩm bán ra thị trường. Trứng ruồi lính đen phần lớn dùng để tạo con giống, vì vậy, trứng ruồi trên thị trường có giá rất cao, tùy vào mỗi nơi mà giá dao động từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/kg. Với mỗi ki-lô-gam trứng ruồi khi nở sẽ cho 2,5 – 3 tấn ấu trùng để làm thức ăn chăn nuôi, giá ấu trùng hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg.

         Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết thêm: Hiện nay, nhiều tỉnh đã phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy triển vọng là rất lớn nhưng để chắc chắn có nên nhân rộng phát triển mô hình này ở địa bàn hay không, cần phải xem xét kỹ lưỡng điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương có phù hợp hay không. Bên cạnh đó, những hộ nuôi cần phải đảm bảo chuồng trại cho ruồi phát triển được giữ kín, hạn chế để ruồi bay ra ngoài tự nhiên quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến bên ngoài.

Nguồn: baolangson.vn