Skip to main content
Ban biên tập | 25 September 2020

         Tận dụng lợi thế tự nhiên với nhiều bãi chăn thả rộng, thời gian qua, người dân xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ chăn nuôi, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

         Xã Hữu Lân hiện có 7 thôn (trong đó có 4 thôn đặc biệt khó khăn); 547 hộ với gần 2.600 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày. Trước đây, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, hệ thống hạ tầng, giao thông được cải thiện, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ năm 2015, thấy hiệu quả từ chăn nuôi gia súc, bà con đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa, dê…

         Ông Nông Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lân cho biết: Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, địa hình nhiều đồi núi với những bãi chăn thả rộng, xã xác định chăn nuôi là một trong những hướng đi chính (bên cạnh lâm nghiệp). Theo đó, để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, thú y viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn các loại giống mới đưa vào sản xuất; hằng năm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức  1 – 2 lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi cho bà con; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…

Người dân thôn Vinh Tiên, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình chăm sóc đàn dê

         Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ, thực hiện phun tiêu độc khử trùng định kỳ; làm chuồng trại kiên cố; dự trữ thức ăn đầy đủ trong mùa rét để đảm bảo đàn gia súc phát triển tốt. Đồng thời, vận động người dân trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi.

         Trên địa bàn xã hiện có hơn 200 hộ đang phát triển chăn nuôi gia súc (chủ yếu ngựa bạch, dê) theo hướng sản xuất hàng hóa. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 2 đến 3 con ngựa bạch; 15 – 20 con dê, hộ nuôi nhiều từ 5 – 6 con ngựa bạch; 30 – 40 con dê. Số lượng gia súc của các hộ này góp phần nâng tổng đàn gia súc của toàn xã lên gần 1.700 con (trâu 416 con; ngựa 550 con- nhiều nhất toàn huyện; bò 110 con; dê 620 con) và được nuôi ở tất cả các thôn: Vinh Tiên, Nà Tấng, Phai Bây, Suối Lông, Suối Mỉ, Suối Vằm, thôn Bộ.

         Anh Nguyễn Văn Thơ, thôn Bộ chia sẻ: Năm 2016, tôi bắt đầu nuôi dê. Ban đầu tôi nuôi 3 – 4 con. Tôi vừa làm vừa học hỏi trên mạng Internet kết hợp với hướng dẫn của cán bộ thú y xã nên đàn dê phát triển ổn định. Hiện nay tôi đã phát triển đàn lên hơn 60 con. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 2 – 3 lần, mỗi lần từ 5 – 6 con (dê xuất từ 20 – 30 kg/con). Với giá bình quân từ 120 đến 140 nghìn đồng/kg, mỗi con dê có giá từ 3 đến 4 triệu đồng. Vì dê được chăn thả tự nhiên nên thị trường rất ưa chuộng, thương lái đến tận nhà thu gom ra các nhà hàng ở Lạng Sơn, Lộc Bình và một số tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Bắc Giang… Cùng với dê thịt, tôi còn xuất bán dê giống, trừ chi phí, tôi thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng/năm.

         Ngoài gia đình anh Thơ, hiện nay, trên địa bàn xã đã và đang có nhiều hộ có thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi. Đặc biệt, có rất nhiều hộ trước đây là hộ nghèo, đến nay đã thoát nghèo như: hộ ông Ma Văn Thắng (thôn Nà Tấng); ông Nông Văn Vấn (thôn Suối Mỉ); ông Nông Văn Mới (thôn Phai Bây); ông Nguyễn Văn Hựu (thôn Vinh Tiên)….

         Nhờ chăn nuôi, tỷ hộ hộ nghèo của xã đã giảm từ 70% năm 2015 xuống còn gần 40% (hiện nay).

         Ông Nguyễn Hữu Thuân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Trong những năm qua, xã Hữu Lân đã phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, nhất là đàn ngựa và dê. Số lượng đàn tăng dần qua các năm (trung bình từ 5 – 10%). Đặc biệt, tại xã người dân đã chủ động đầu tư phát triển chăn nuôi. Đồng thời, bà con chịu khó chăm sóc, đầu tư về chuồng trại, che chắn về mùa đông nên thời gian qua, chăn nuôi tại xã phát triển ổn định, tăng trưởng đều.

Nguồn: baolangson.vn