Skip to main content
Ban biên tập | 25 September 2020

         Ông Phạm Sỹ Khâm, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, huyện Bình Gia được biết đến là một đảng viên năng động, cần cù, chịu khó, nhiệt huyết với các phong trào của địa phương. Ông cũng là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế với thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm.

         Ông Khâm sinh năm 1963, quê gốc ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có 5 chị em. Năm 1964, gia đình ông lên thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, huyện Bình Gia để khai hoang, lập nghiệp hưởng ứng cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới.

         Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chàng trai trẻ vốn ham học hỏi đã theo học lớp cung ứng vật liệu xây dựng, hệ trung cấp tại Lạng Sơn trong 2 năm. Học xong, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông Khâm lúc bấy giờ tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự và được phân về Binh chủng Phòng không không quân, đơn vị C14- E12- F3 Quân đoàn 14, đóng quân dọc tuyến biên giới từ các huyện: Tràng Định, Văn Quan, Cao Lộc đến Hữu Lũng.

Ông Phạm Sỹ Khâm chăm sóc đàn bò

         Năm 1988, hết nghĩa vụ quân sự trở về nhà, chàng thanh niên  cùng bố mẹ phát triển kinh tế, tập trung làm nông nghiệp để trang trải cuộc sống và lo cho các em ăn học. Vốn là người chu đáo nên sau khi gia đình ổn định, ông Khâm mới tính đến chuyện riêng của mình. Theo đó, năm 1994, ông lập gia đình, ra ở riêng và khởi nghiệp từ 2,5 ha đất bãi được bố mẹ chia.

         Từ năm 1997, ông Khâm khi đó bắt đầu phát triển chăn nuôi bò, lợn; trồng hoa màu, thuốc lá để xoay vòng vốn. Ông tâm sự: Ban đầu, tôi chỉ nuôi từ 2 – 4 con bò; 10- 20 con lợn/năm. Cùng với chăn nuôi, tôi trồng 500 cây quýt giống bản địa để tăng thu nhập. Sau này, tôi mạnh dạn đi học hỏi thêm các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại ở Ba Vì (Hà Nội) và Thái Nguyên…

         Vốn chịu khó nên từ kinh nghiệm thực tế kết hợp học hỏi qua các phương tiện truyền thông, ông Khâm nhận thấy lợi thế về đồng cỏ tự nhiên thuận lợi, môi trường trong lân lũng trong lành, mát mẻ, từ năm 2015, ông bắt đầu tăng số lượng đàn bò lên 20 đến 30 con/năm. Đặc biệt, ông tập trung phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo hướng chăn thả tự nhiên để phát huy tối đa ưu thế bãi chăn thả rộng và đồng cỏ tự nhiên. Cùng với đó, ông trồng thêm 2 ha cỏ voi và 5 sào ngô (trồng 2 vụ/năm) để chủ động nguồn thức ăn quanh năm cho đàn bò. Đồng thời, ông đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh và phun tiêu độc khử trùng để đàn bò phát triển tốt, cho hiệu quả cao.

         Với sự nhạy bén thị trường, năm 2017, ông Khâm tìm mua thêm giống bò lai vì theo ông bò lai có nhiều ưu điểm như: tăng trưởng nhanh, hấp thụ tốt, bò dễ “thuần” và cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đến nay, hằng năm, ông nuôi trung bình từ 30-40 con bò (chủ yếu là bò lai). Tháng 8/2019 vừa qua, xuất bán 20 con bò, ông thu về hơn 300 triệu đồng.

         Ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết: Với sự cần cù, năng động, nhiệt tình và gương mẫu, ông Phạm Sỹ Khâm được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn suốt 12 năm qua và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 2012. Từ đó đến nay, ông luôn  chịu khó, giúp đỡ mọi người; tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong vai trò tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của xã, ông luôn sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên, anh em bạn bè về vốn, kỹ thuật khi mọi người có nhu cầu. Hiện nay, ông là phó Bí thư Chi bộ thôn Kéo Coong- Lân Khinh với thành tích nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2018 vừa qua, ông được đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là tấm gương để người dân trong xã học tập và noi theo.

Nguồn: baolangson.vn