Skip to main content
Ban biên tập | 25 September 2020

          Nhiều năm qua, anh Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1983, thôn Quảng Trung II, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn được mọi người trong thôn quý mến bởi tính tiên phong, gương mẫu và làm kinh tế giỏi với mô hình trồng cây hạt dẻ và trồng rừng. Đặc biệt, anh rất nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ trong thôn phát triển kinh tế.

Đến thăm nhà anh Hiếu vào cuối tháng 8/2019, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với khu vườn đồi cây dẻ xanh ngát ngay sau nhà. Trò chuyện với anh Hiếu, chúng tôi được biết, trước năm 2005, gia đình anh chủ yếu trồng các loại cây ăn quả với hơn 1.000 cây hồng, hơn 2.000 cây vải, hơn 2.000 cây mận tam hoa. Tuy nhiên, sau một thời gian thấy cây vải, cây hồng và cây mận hiệu quả kinh tế không cao, gia đình anh đã chuyển hướng sang trồng dẻ. Qua tìm hiểu, thấy ưu điểm của cây dẻ là sinh trưởng nhanh, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, cây cho quả lâu năm, chỉ sau 4 năm đã có thể cho thu hoạch. Vì vậy, năm 2006, gia đình anh bắt đầu trồng thí điểm 1.200 gốc dẻ với diện tích hơn 2 ha.

Anh Nguyễn Trung Hiếu phân loại hạt dẻ và đóng túi trước khi giao hàng cho khách

Anh Hiếu cho biết: Để tìm được giống cây tốt, gia đình tôi đã nhờ sự tư vấn của Công ty Cổ phần Giống cây trồng vùng Đông Bắc, mua giống cây dẻ ở Trùng Khánh, Trung Quốc và ở Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng về trồng.  Qua quá trình trồng thử nghiệm hơn 2 ha đó, thấy cây hạt dẻ phù hợp với thổ nhưỡng, hạt dẻ thơm, bùi hơn, bán ra thị trường được nhiều khách hàng ưa chuộng nên gia đình tôi đã cải tạo toàn bộ diện tích đất của gia đình để trồng dẻ.

Tính đến nay, gia đình anh Hiếu có trên 8 ha dẻ, trong đó có hơn 4 ha đang cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch từ cuối tháng 6 Âm lịch đến cuối tháng 8 Âm lịch, với sản lượng hạt dẻ hằng năm khoảng 5 tấn. Với giá bán từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng.

Anh Hiếu chia sẻ: Đối với cây dẻ khi vào vụ thu hoạch thì ngày nào cũng phải thu mới được dẻ ngon, phải chứ không phải thu hoạch theo đợt.

Qua kinh nghiệm trồng lâu năm và không ngừng học hỏi, từ năm 2014, anh Hiếu đã tự ghép cây để ươm giống, phục vụ nhu cầu của bà con địa phương. Đặc biệt, anh còn tạo điều kiện cho bà con mua cây giống với giá rẻ, chỉ từ 45 nghìn đồng/cây, rẻ hơn thị trường 20 – 30 nghìn đồng/cây. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ cây giống cho 5 hộ trên địa bàn xã, đồng thời, tập huấn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các gia đình đó.

Bên cạnh phát triển cây dẻ, gia đình anh Hiếu còn chú trọng trồng rừng. Năm 1997, gia đình anh trồng được trên 6 ha thông, đến năm 2007, diện tích trồng thông bắt đầu cho thu nhập nhựa, mỗi năm cho thu về hơn 200 triệu đồng. Năm 2016, gia đình anh khai thác hơn 6 ha gỗ thông, thu về hơn 400 triệu đồng. Sau đó, anh trồng tiếp 8 ha bạch đàn, hiện bạch đàn đang 3 năm tuổi.

Anh Lăng Văn Sao, Bí thư Đoàn thanh niên xã Quảng Lạc cho biết: Anh Nguyễn Trung Hiếu là thanh niên mạnh dạn, sáng tạo và ham học hỏi, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cùng với đó, anh luôn cởi mở, nhiệt tình vận động, hướng dẫn và giúp đỡ nhiều thanh niên tại địa phương về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dẻ, qua đó, khuyến khích thanh niên tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ mô hình của anh Hiếu, đã có một số đoàn viên đưa cây dẻ vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn: baolangson.vn