Skip to main content
Ban biên tập | 24 September 2020

Xác định nguồn vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Mông Ân, huyện Bình Gia luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đặc biệt, từ sau khi có Chỉ thị 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương càng được nâng lên.

Mông Ân là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, với 422 hộ dân, 1.922 nhân khẩu sinh sống ở 6 thôn bản. Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, thu nhập chính của bà con là trồng trọt và chăn nuôi. Những năm trước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân một phần là thiếu vốn, người dân chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ.

Người dân xã Mông Ân sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi

Trước tình hình đó, xã chú trọng tuyên truyền, đưa nguồn vốn vay ưu đãi vào phát triển sản xuất. Ông Hoàng Văn Ấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hằng năm, Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đẩy mạnh tuyên truyền chính sách vốn đến người dân. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 40, UBND xã đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 40 đến cán bộ xã, đồng thời chỉ đạo trưởng các thôn bản tuyên truyền đến người dân tại các cuộc họp thôn để nhân dân nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, hằng năm, ngay khi có kế hoạch của NHCSXH huyện, UBND xã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các thôn, bản; chỉ đạo thực hiện bình xét cho vay dân chủ, công khai, đúng quy trình, đúng đối tượng, chương trình cho vay và mục đích sử dụng.

Sau khi giải ngân, xã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời khuyến khích người dân đầu tư phát triển các mô hình đang có hiệu quả tại xã như: trồng rừng, chăn nuôi. Qua đó, người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả nguồn vốn, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho bà con.

Hiện nay, tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng triển khai tại xã là trên 14 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH kể từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đã giúp 625 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay, góp phần trang trải chi phí học tập cho 60 học sinh, tạo việc làm cho 2.124 lao động, xây dựng trên 50 ngôi nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách và góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 55,34% năm 2014 xuống còn 11,85% năm 2018, tương đương 183 hộ thoát nghèo.

Tiêu biểu như gia đình chị Hoàng Thị Bườm, thôn Nà Vường   nhờ vốn ưu đãi đã vươn lên thoát nghèo. Chị Bườm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền về chương trình cho vay của NHCSXH, tôi đã vay 30 triệu đồng để nuôi lợn và trâu sinh sản. Chăn nuôi có hiệu quả, năm 2018, gia đình đã thoát nghèo, với mong muốn thoát nghèo bền vững, cũng trong năm đó, gia đình tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để chăn nuôi trâu và phát triển rừng hồi”.

Ông Thân Văn Hiếu, Giám đốc NHCSXH huyện Bình Gia cho biết: Những năm qua, các tổ chức hội, tổ tiết kiệm vay vốn của xã luôn làm tốt công tác quản lý nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là khi có Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền xã vào cuộc, tạo thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng, giúp người dân có nhu cầu đều được vay vốn. Nhiều năm nay, xã không có nợ quá hạn, 100% tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động tốt, huy động tiết kiệm và thu lãi đều đạt cao. Vừa qua, Mông Ân là một trong ba xã của tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thực hiện tốt Chỉ thị 40.

Nguồn: baolangson.vn