Skip to main content
Ban biên tập | 23 September 2020

         Xuất phát từ các ưu điểm như: vốn đầu tư ít; thời gian quay vòng vốn nhanh; năng suất cao và ổn định… thời gian qua, người dân huyện Lộc Bình đã chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

         Gia đình bà Hoàng Thị Tươi, thôn Háng Cáu, xã Đồng Bục là một trong những hộ đầu tiên chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa của huyện Lộc Bình. Bà Tươi cho biết: Năm 2007, qua tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi quyết định đầu tư nuôi gà siêu trứng. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, tôi nuôi từ 3.500 – 4.000 con gà siêu trứng, chia làm 3 lứa nối tiếp nhau. Trong đó, duy trì khoảng 1.000 con đẻ trứng hằng ngày. Trung bình mỗi ngày, tôi xuất bán 850 quả trứng với giá bình quân từ 1,5 đến 2 nghìn đồng/quả. Ngoài nguồn thu từ trứng, tôi còn thu từ bán gà thịt và phân gà. Trừ chi phí, gia đình thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Người dân xã Đồng Bục chăm sóc gà siêu trứng

         Tìm hiểu được biết, trước đây, đa số người dân huyện Lộc Bình chỉ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ để cải thiện sinh hoạt. Từ năm 2014 đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế, phong trào chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện bắt đầu phát triển mạnh. Nhiều hộ đã sử dụng diện tích đất vườn để tăng đàn gà, vịt… chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến gia đình ông Nông Văn Pai, thôn Khuổi Nọi B, xã Như Khuê.

         Ông Pai cho biết: Trước đây, tôi nuôi lợn nhưng đầu ra không ổn định. Năm 2014, tôi bàn với gia đình chuyển sang chăn nuôi gà. Tận dụng đất vườn rộng, mỗi năm, tôi nuôi bình quân 3 lứa gà, mỗi lứa từ 1.000 đến 1.500 con với phương pháp chăn thả tự nhiên kết hợp chăn cám ngô, cám gạo, bỗng rượu… Nhờ tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật ở xã, tôi biết đến phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Từ đó, đàn gà cho năng suất ổn định, ít dịch bệnh (sau 4 tháng có thể xuất bán). Hiện nay, trung bình mỗi tháng, tôi xuất bán từ 500 đến 700 con gà cho các nhà hàng, quán ăn ở thành phố Lạng Sơn với giá bán buôn từ 90 đến 100 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng.

         Theo thống kê, toàn huyện Lộc Bình hiện có hơn 500 nghìn con gia cầm (số lượng đàn lớn thứ 2 toàn tỉnh), gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng, chim bồ câu… Trong đó, gà, vịt có số lượng nhiều nhất được nuôi ở tất cả các xã, một số xã, thị trấn có số lượng đàn lớn như: thị trấn Na Dương, các xã: Xuân Tình, Như Khuê, Đồng Bục, Tú Đoạn, Bằng Khánh, Xuân Lễ… Trong số đó có gần 100 hộ chăn nuôi gia cầm từ 1.000 con trở lên với thu nhập ổn định từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

         Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tổ chức các lớp học nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, tạo thuận lợi để bà con phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức từ 150 đến 200 lớp tập huấn lồng ghép kỹ thuật chăn nuôi cho 5.000 – 6.000 lượt người tham dự. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã tổ chức được gần 190 cuộc tập huấn cho hơn 6.000 lượt người.

         Các ngành chức năng chủ động tổ chức, hướng dẫn, vận động người dân tiêm vắc – xin phòng dịch bệnh định kỳ cho đàn gia cầm (trung bình mỗi năm từ 2 – 3 lần/xã); phun tiêu độc khử trùng đầy đủ tại 29 xã, thị trấn; đưa các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào chăn nuôi… Bên cạnh đó, các hộ còn chú ý xử lý môi trường như: đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học… để xử lý chất thải, hạn chế việc gây ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian qua, tại huyện không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm.

         Ông Nguyễn Hữu Thuân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng đã phối hợp với các xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa; duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình trong chăn nuôi. Đồng thời, khuyến cáo bà con áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế.

         Nhờ chăn nuôi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Hiện, tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 19,24%, giảm 10,2% so với năm 2015.

Nguồn: baolangson.vn