Skip to main content
Ban biên tập | 23 September 2020

         Chị Bế Thị Na, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng được biết đến là một phụ nữ năng động, biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương sáng cho những hội viên khác noi theo.

         Sinh năm 1981 tại xã Thanh Sơn, năm 2001, chị Na lập gia đình và sinh sống tại thôn Đồng Sinh, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng. Những năm đầu mới lập gia đình, đời sống khó khăn nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, chị đã cố gắng vươn lên bằng mô hình kinh tế tổng hợp, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

         Theo chân cán bộ xã Tân Lập vào thăm mô hình trồng thanh long của gia đình chị Na, chúng tôi được ngắm cả một vườn thanh long 400 cây đang trĩu quả. Qua trò chuyện, chị Na chia sẻ: Từ nhiều kênh thông tin, tôi biết tỉnh Vĩnh Phúc trồng nhiều thanh long ruột đỏ cho giá trị kinh tế cao nên tôi cùng chồng đã lên đó tìm hiểu kỹ thuật và mua giống về trồng. Mới đầu, tôi trồng 200 cây, sau một năm rưỡi chăm sóc, cây sinh trưởng tốt và cho thu hoạch, bán được giá cao từ 20 – 30 nghìn đồng/kg, tôi lại nhân rộng diện tích lên. Sau hơn 5 năm phát triển mô hình, hiện nay, gia đình tôi có hơn 400 gốc, mỗi cây cho thu hoạch năm đến sáu đợt quả, bình quân mỗi vụ thanh long cho thu hoạch trên 80 triệu đồng.

Chị Na thu hoạch thanh long

         Ngoài trồng cây thanh long, tận dụng diện tích đất còn trống, năm 2015, chị Na trồng thêm được 100 cây bưởi. Năm 2018, 30 cây bưởi đã cho thu hoạch 700 quả với giá bán 12 nghìn đồng một quả, đem lại nguồn thu trên 10 triệu đồng.

Không chỉ phát triển kinh tế từ cây ăn quả, với hơn 2 ha đất rừng, chị Na đã mạnh dạn trồng gần 5.000 cây keo, cho khai thác thu về 50 đến 60 triệu đồng.

         Bên cạnh đó, năm 2016 – 2017, chị Na bắt đầu nuôi thêm ong lấy mật. Chị nuôi được 20 thùng ong, mỗi năm thu được hơn 100 lít mật ong với giá bán 250 nghìn đồng một lít, gia đình chị thu về gần 30 triệu đồng mỗi năm.

         Từ mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng và nuôi ong lấy mật đã đem lại cho gia đình chị Na nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Với số tiền đó, chị trang trải cuộc sống gia đình, đầu tư làm nhà và nuôi các con ăn học.

         Chị Na cho biết: Có được thành quả như ngày hôm nay là sự cố gắng, nỗ lực của cả hai vợ chồng, bởi bên cạnh những kinh nghiệm đã có vợ chồng chị vẫn thường xuyên học hỏi thêm qua sách báo. Theo chị Na,  trồng bất cứ cây gì hay nuôi con gì người làm cũng phải thực sự tâm huyết và kiên trì mới thành việc.

         Nhận xét về chị Na, bà Phan Thị Thuấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lập cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Na còn luôn gương mẫu, sáng tạo đi đầu trong các phong trào của hội, của xã. Chị Na vận động hội viên trong chi hội cùng xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên phụ nữ trong xã có nhu cầu học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây ăn quả của mình nên được mọi người yêu quý. Thành công từ mô hình trồng cây ăn quả, nhiều hội viên đã đưa cây thanh long vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế, từ đó ổn định cuộc sống gia đình, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nguồn: baolangson.vn