Skip to main content
Ban biên tập | 22 September 2020

         Sau khi khai thác gỗ, những khúc không thẳng, đầu mẩu  không đạt kích cỡ thường được dùng làm củi. Thấy được nguồn lợi từ phế phẩm này, vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh và anh Hoàng Văn Trường, khu Sơn Hà, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình đã sử dụng nguồn nguyên liệu này để khởi nghiệp.

         Anh Hoàng Văn Trường cho biết: Trên địa bàn huyện có  nhiều đồi thông đang trong giai đoạn khai thác gỗ. Sau khi lấy đi nhưng khúc gỗ tốt, phần đầu mẩu thường bị bà con bỏ lại trên rừng, một phần tận dụng làm củi đun. Những khúc gỗ bằng bắp chân bị bỏ đi rất lãng phí. Tôi thấy đây là cơ hội cho mình nên đã đi tìm hiểu nhiều nơi cách tận dụng những phần gỗ thừa này.

         Trăn trở tìm cách tận dụng nguồn gỗ thừa, anh Trường tham quan tại một số huyện trong tỉnh. Nhận thấy một số huyện có cơ sở sơ chế hạt gỗ thô cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất bọc ghế ô tô, từ những kinh nghiệm đã học được anh mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng mua sắm máy móc gia công như: máy cưa, máy tạo hạt… để chế biến.

Anh Hoàng Văn Trường gia công hạt gỗ

         Sau khi xây dựng xưởng gia công, anh Trường chủ động liên hệ với thương lái thu mua gỗ trên địa bàn, nắm thông tin các hộ có rừng khai thác để đặt vấn đề mua đầu mẩu gỗ. Thấy có nguồn lợi về kinh tế, người dân trên địa bàn đã chủ động liên hệ, do đó, nguồn nguyên liệu luôn ổn định.

         Gỗ tươi khi mang về được cắt lát, sau đó đưa vào máy gia công thành hạt gỗ tròn. Tuy còn thô nhưng đây là thành phẩm có thể xuất bán. Vào những tháng ít mưa, thuận tiện cho việc khai thác gỗ xưởng thường hoạt động hết công suất. Thời gian cao điểm, mỗi ngày xưởng tiêu thụ từ 3 đến 4 m3 gỗ và thu được trên 2 tạ hạt thành phẩm với giá trên 10 triệu đồng/tạ.

         Khác với những công việc khác cần lao động khỏe mạnh, gia công hạt gỗ lại cần sự cần cù, kiên nhẫn, vì vậy, rất phù hợp với người cao tuổi, người không làm được công việc nặng nhọc trong khu vực. Đi vào hoạt động từ tháng 7/2018, đến nay, xưởng gia công hạt gỗ của gia đình anh Trường, chị Linh đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

         Với giá thu mua gỗ đầu mẩu khoảng 500.000 đến 600.000 đồng/m3, ngoài khoản thu từ phần gỗ tốt người trồng rừng có thể tăng thêm vài triệu đồng mỗi héc ta tùy tuổi cây. Đây là khoản thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình có rừng đang cho khai thác.

         Anh Trường cho biết: Tấm lót bằng hạt gỗ cho ô tô được thị trường ưa chuộng vì tạo sự thoải mái cho người dùng, thân thiện với môi trường. Nhu cầu rất lớn, chính vì vậy, hiện nay, sản phẩm sản xuất bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Với diện tích rừng hiện tại trên địa bàn huyện thì 4 đến 5 năm tới, chúng tôi không phải lo thiếu nguyên liệu.

         Trước đây, vợ chồng anh Trường, chị Linh cũng đã trải qua nhiều công việc như kinh doanh, chở hàng… song nguồn thu nhập không đáng kể. Nhờ nguồn phế phẩm đầu mẩu gỗ thừa vợ chồng anh đã khởi nghiệp thành công. Khi chúng tôi đến, anh đang bận rộn xây dựng căn nhà mới rộng hơn 100 m2. Mô hình của vợ chồng anh Trường, chị Linh được Hội LHPN tỉnh đánh giá là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của hội trong năm 2018. Nó không chỉ tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho người dân trong khu vực, đặc biệt là tránh lãng phí, tăng nguồn thu cho người trồng rừng.

Nguồn: baolangson.vn