Skip to main content
Ban biên tập | 21 September 2020

         Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tham mưu, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40), ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị, đến nay, nguồn vốn ngày càng góp phần quan trọng vào cải thiện, nâng cao đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

         Chủ động thực hiện

         Thực hiện Chỉ thị 40 là nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí quan trọng của tín dụng chính sách trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động giao dịch tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc

         Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo và hướng dẫn của NHCSXH Việt Nam, chi nhánh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành văn bản số 1129/CV/TU, ngày 26/1/2015 thực hiện Chỉ thị 40; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND, ngày 7/6/2016 triển khai thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 40; chỉ đạo các phòng giao dịch huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh…

         Trong thực hiện, chi nhánh chủ động củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban đại diện hội đồng quản trị các cấp. Đến nay, 100% ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện đã được kiện toàn đủ thành viên là các chủ tịch UBND cấp xã. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thường xuyên quan tâm công tác phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị nhận ủy thác vốn; hướng dẫn các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình nghiệp vụ tín dụng từ khâu bình xét cho vay đến đôn  đốc, thu hồi nợ…

         Hiệu quả rõ nét

         Từ quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 40, trong 5 năm qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh được tăng cường rõ rệt. Cụ thể như: bố trí chủ tịch UBND cấp xã tham gia ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho hoạt động của ngân hàng…

         Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội đã chú trọng chỉ đạo cơ sở phối hợp với NHCSXH. Bà Nông Thị Dân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cường Lợi, huyện Đình Lập cho biết: Thực hiện công tác phối hợp với NHCSXH trong triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, hội tích cực tuyên truyền đến người dân về chính sách vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn; hằng tháng tham gia họp giao ban sau mỗi buổi giao dịch với ngân hàng để có biện pháp tháo gỡ kịp thời  khó khăn của hộ vay, nhờ đó đến nay, các hội viên đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

         Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch tại 226/226 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; hơn 2.400 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, bản, khu phố đã góp phần công khai các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay và quy trình, thủ tục cho vay của NHCSXH.

         Đặc biệt, trọng tâm của Chỉ thị 40 là việc điều chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Sau gần 5 năm thực hiện, đến nay, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã chuyển nguồn vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số vốn hơn 68 tỷ đồng, tăng 34 tỷ đồng so với năm 2013.

         Trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan và các địa phương, việc củng cố tổ tiết kiệm, tuyên truyền, phổ biến chính sách vốn, xác nhận đối tượng vay vốn, đôn đốc thu nợ, thu lãi hằng tháng… được thực hiện hiệu quả hơn. Từ đó, tổ chức giải ngân các chương trình vốn kịp thời, thu nợ, thu lãi đạt cao. Hiện nay, tổng dư nợ vốn ưu đãi đạt 2.815 tỷ đồng (tăng 1.081 tỷ đồng so với năm 2013) với 92 nghìn hộ còn dư nợ. Đồng vốn được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích; nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,11% tổng dư nợ; thu lãi đạt 99%.

Nguồn: baolangson.vn