Skip to main content
Ban biên tập | 3 October 2020

          Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), thời gian qua, cơ quan chức năng huyện Hữu Lũng luôn quan tâm chỉ đạo, bám sát địa bàn, đào tạo nghề sát với tình hình thực tế và nhu cầu của bà con địa phương.

Người dân xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao

          Xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, UBND huyện Hữu Lũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ/TTg về thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 – 2020 từ huyện đến cơ sở và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Theo đó, xuất phát từ thực tế, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, UBND các xã, thị trấn đã phối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) huyện tổ chức các lớp dạy nghề về phi nông nghiệp (thêu, đan nón lá, mây tre đan) và nghề nông nghiệp (trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm…) cho bà con.

          Ông Trịnh Xuân Dũng, thôn Đất Đỏ, xã Hòa Thắng từng được tham gia lớp dạy nghề về trồng rừng kinh tế do Trung tâm GDNN của huyện tổ chức năm 2018. Ông Dũng cho biết: Qua lớp dạy nghề, tôi áp dụng được nhiều kiến thức về cách chọn cây giống, quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây. Nhờ đó, thời gian cho khai thác gỗ được rút ngắn, giá trị kinh tế đem lại cao gấp 2 lần trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu về  từ 70 đến 90 triệu đồng/1ha.

          Cùng với ông Dũng, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã tham gia các lớp học nghề về nông nghiệp, từ đó, tạo công ăn việc làm tăng thêm thu nhập. Đơn cử, giai đoạn 2011 – 2020, UBND xã Quyết Thắng đã phối hợp với Trung tâm GDNN huyện mở 25 lớp đào tạo nghề cho 770 lao động nông thôn như: đào tạo kỹ thuật sủa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây ăn quả… Qua các lớp đào tạo, người dân trong xã mạnh dạn đầu tư vào các ngành nghề đã học, ứng dụng hoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh qua từng năm, cụ thể năm 2015 là 50%, đến năm 2019 còn 23%.

          Thực hiện Đề án 1956 từ năm 2011 đến nay, các xã, thị trấn đã phối hợp với Trung tâm GDNN huyện Hữu Lũng tổ chức được trên 80 lớp dạy nghề nông nghiệp với gần 2.700 học viên tham gia. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trung tâm đã mở được 10 lớp dạy nghề cho 350 lao động nông thôn với các ngành nghề như: sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, chăn nuôi gà, trồng rau an toàn, nuôi dê, trồng rừng kinh tế… Sau đào tạo, 86% lao động có việc làm ổn định (vượt 6% chỉ tiêu đề ra). Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2020 ước đạt 40 triệu đồng.

          Không chỉ chú trọng dạy nghề đơn thuần mà Trung tâm GDNN huyện còn thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn như: mô hình trồng và chăm sóc na ở xã Yên Sơn; mô hình sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp ở các xã: Hòa Thắng, Hồ Sơn, thị trấn Hữu Lũng; mô hình trồng rừng sản xuất ở xã Cai kinh, Vân Nham… Ông Nguyễn Song Hà, Giám đốc Trung tâm GDNN huyện cho biết: Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này, chúng tôi luôn quan tâm từ bước tuyên truyền, khảo sát nhu cầu người dân đến trang thiết bị dạy nghề, giáo trình và phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề chất lượng. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi luôn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó, thực hành chiếm trên 80% chương trình đào tạo.

          Ông Đặng Xuân Tuấn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được chú trọng. Giai đoạn 2011 – 2020, các tổ chức, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tuyên truyền lồng ghép được 130 buổi cho 450.000 lượt người nghe nhằm thay đổi nhận thức, tham gia các lớp đào tạo nghề, nâng cao thu nhập. Qua học nghề, lao động nông thôn tích lũy được nhiều kiến thức mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

          Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đều tăng qua các năm, cụ thể từ 31% (năm 2011) tăng lên 55,6% (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 20,78%  năm 2011 xuống còn 9,97% vào cuối năm 2019, huyện phấn đấu giảm xuống còn 6,9%  trong năm 2020.

Nguồn: baolangson.vn