Skip to main content
Ban biên tập | 19 September 2020

         Chính sách cho vay vốn đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, vì nguồn vốn có hạn nên người lao động được vay vốn chưa cao với khoảng 10%.

         Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 năm giai đoạn 2013 – 2017, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh, trung bình tăng 10%/năm. Trong đó ghi nhận sự tăng nhanh ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Đài Loan, giảm mạnh ở các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, Trung Đông và Bắc Phi. 

         Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, hiện nay ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thì chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đánh giá là đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

         Thống kê cho thấy, người lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện chiếm khoảng 10%. Thông qua những chương trình cho vay vốn để đi xuất khẩu lao động tại Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã tạo việc làm cho khoảng 115.000 lao động. Mặc dù vậy, các thị trường có thu nhập trung bình như Malaysia, một số nước Trung Đông, Bắc Phi không còn thu hút lao động, thay vào đó lao động Việt Nam hiện chủ yếu làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu. 

Theo ông Phạm Viết Hương, các thị trường này có chi phí để đi làm việc khá cao, trung bình ở mức 70 – 80 triệu đồng/hợp đồng. Như vậy, với mức quy định người lao động được vay không cần tài sản đảm bảo, tối đa không quá 50 triệu đồng hiện là không còn phù hợp. Bởi vì, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo thường không có tài sản thế chấp để vay các khoản lớn hơn 50 triệu đồng. 

         Bên cạnh đó, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 9/2015 nhưng việc triển khai cho vay theo chính sách này tại một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu do nguồn ngân sách địa phương không bố trí được nguồn vốn. Hơn hết, vẫn còn một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa đúng với quy định, không phù hợp với công việc, dẫn đến việc người lao động đã vay vốn nhưng không đi được hoặc người lao động không đáp ứng được công việc phải về nước trước hạn.

         Từ những thực tế trên, ông Phạm Viết Hương cho rằng, để làm công tác đưa lao động đi xuất khẩu, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, thời gian tới Cục QLLĐNN sẽ tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp. Đồng thời, chấn chỉnh việc ký hợp đồng, cung cấp hóa đơn, chứng từ thu tiền của doanh nghiệp đối với người lao động. 

         Đối với các khoản vốn vay của người lao động nộp cho doanh nghiệp nhưng không đi được hoặc phải về nước trước thời hạn, Cục này sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH rà soát và đôn đốc doanh nghiệp giải quyết các tồn đọng. Bên cạnh đó, theo ông Hương cần nâng mức cho vay không cần tài sản đảm bảo lên mức 100 triệu đồng/người/hợp đồng, hoặc cho phép các địa phương có thể quy định mức cho vay tối đa đối với nguồn vốn ủy thác tại NHCSXH.

         Cũng cho rằng còn một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu chưa chú trọng đào tạo, dẫn đến một số lao động không đáp ứng được yêu cầu phải về nước trước thời hạn, ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ban Tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác (NHCSXH) cho rằng, cần có biện pháp mạnh để xử lý những doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng. Doanh nghiệp tuyển dụng cũng nên phải mở tài khoản tại NHCSXH để người lao động nộp tiền tuyển dụng trả cho doanh nghiệp vào tài khoản này .

         Liên quan đến việc nguồn vốn cho vay còn hạn chế, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội  thừa nhận là "không đủ" để đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Ông Lê Quang trung nhấn mạnh, mặt bằng lãi suất cho vay bao nhiêu phải tính toán để hợp lý so với thực tiễn, tránh lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích vì mục tiêu của chúng ta là giải quyết việc làm cho người lao động.

         Do đó, ông Trung cho rằng trong thời gian tới cần huy động kinh phí của các nguồn khác nhau, kể cả từ nguồn xã hội hóa để cho vay vốn người lao động. “Vì nguồn vốn có ít nên chúng ta tập trung vào những nhóm đối tượng cần thiết được hỗ trợ để có việc làm. Các địa phương cũng cần rà soát lại để có hướng ưu tiên”, ông Trung nói./.

Nguồn: giamngheo.molisa.gov.vn