Skip to main content
Ban biên tập | 17 September 2020

           Nhắc đến anh Vi Tuấn Cửu, sinh năm 1989, đoàn viên Chi đoàn khu 5A, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, mọi người trong khu đều ấn tượng đây là một thanh niên chăm chỉ, yêu lao động. Ghi nhớ lời Bác dạy lao động sẽ đem lại vinh quang, anh luôn nêu cao tinh thần tự tìm tòi, học hỏi trong lao động sản xuất, trở thành tấm gương trong phát triển kinh tế.

          Được sự giới thiệu của cán bộ thị trấn Na Dương, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với anh Vi Tuấn Cửu. Dẫn phóng viên đi tham quan  trang trại, anh Cửu cho biết: Gia đình anh tập trung phát triển mô hình chăn nuôi khoảng 3 năm nay, chủ yếu là chim cút, chó đẻ, chó thương phẩm, dê, lợn… Bản thân anh là người tự tìm tòi, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để tăng hiệu quả kinh tế.

          Anh Cửu chia sẻ: Trước đây, tôi đã mở xưởng cơ khí được 5 năm. Sau đó, cảm thấy chăn nuôi có thể đem lại nguồn thu nhập nên từ năm 2016, tôi phát triển thêm mảng này. Vì lựa chọn hướng đi là phát triển chăn nuôi, bản thân vốn không có kiến thức về lĩnh vực này nên tôi đã tự tìm hiểu các kiến thức trên mạng, nghiên cứu thực tế… để có “nền móng” ban đầu cho mình. Từ việc nuôi ở môi trường như thế nào, chuồng trại ra sao đến nguồn thức ăn phù hợp…

 

 

 

Anh Vi Tuấn Cửu với mô hình chăn nuôi tổng hợp đem lại thu nhập cao

          Với mô hình chăn nuôi tổng hợp, số vốn ban đầu anh bỏ ra từ 500 – 600 triệu đồng. Anh Cửu chia sẻ thêm: Trong quá trình làm không phải là lúc nào cũng thuận lợi. Như việc vật nuôi chết dẫn đến thiệt hại cũng có, tuy nhiên, số đó không nhiều. Bởi khi thấy vật nuôi có dấu hiệu không bình thường là mình đã phải tìm cách khắc phục ngay nên hạn chế được rất nhiều rủi ro.

          Do tìm hiểu kỹ, cộng thêm việc mày mò học hỏi, ngay từ năm đầu tiên nuôi chim cút, chó đẻ, chó thương phẩm… anh đã có lãi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng. Không chỉ vậy, anh còn tạo việc làm thường xuyên ổn định cho 1 – 3 lao động (tùy thời điểm) với mức thu nhập khoảng 72 triệu đồng/năm.

          Bên cạnh đó, anh còn tích cực tự học tập, nghiên cứu để nâng cao vốn hiểu biết về khoa học – kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trong mô hình và địa bàn thị trấn Na Dương. Thông qua việc học trên các phương tiện truyền thông, những người đi trước, tham gia các diễn đàn khởi nghiệp và áp dụng vào thực tế, mô hình chăn nuôi của anh ổn định hằng năm, là điển hình trong chăn nuôi tại địa phương.

          Anh Cửu đã trực tiếp hướng dẫn một số gia đình, các đoàn viên thanh niên về phương pháp, kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc đúng kỹ thuật để mang lại hiệu quả kinh tế. Trong mấy năm gần đây, anh được tuyên dương tại địa phương do có mô hình chăn nuôi tiêu biểu; giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các thanh niên cùng làm kinh tế, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình và các đoàn viên có ý tưởng tự lập thân, lập nghiệp. Từ năm 2014 – 2018, gia đình anh liên tục được công nhận gia đình văn hóa.

          Bà Lý Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy thị trấn Na Dương nhận xét: Đoàn viên Vi Tuấn Cửu là một trong những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Đảng ủy ghi nhận và đánh giá cao những cá nhân có tinh thần tự học, tự lực tự cường như đồng chí Cửu và khuyến khích thế hệ trẻ phấn đấu học tập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

          Về những nỗ lực đó, tháng 5/2019, anh Vi Tuấn Cửu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nguồn: baolangson.vn