Skip to main content
Ban biên tập | 26 September 2020

           Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đồng lòng thực hiện hiệu quả các giải pháp trong công tác giảm nghèo. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 25% xuống còn hơn 10%, tiếp tục phấn đấu giảm 3% hằng năm trong thời gian tới. Mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng câu chuyện giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức đối với tỉnh ta.

          Hiệu quả từ các huyện nghèo

          Trong nhiệm kỳ qua, Lạng Sơn được Trung ương phê duyệt 3 huyện nghèo theo chương trình 30a của Chính phủ gồm: Đình Lập, Bình Gia, Văn Quan với tỷ lệ hộ nghèo trung bình cao trên 50%. Người dân tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm nghề nông nghiệp, thu nhập không ổn định do đầu tư chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sản phẩm hàng hóa và hàng hóa có giá trị để phát triển. Thêm nữa hạ tầng ở các huyện nghèo còn nhiều khó khăn, nhất là đường xá đi lại khiến cho việc giao thương của người dân gặp nhiều trở ngại, cây – con xuất bán thường không được giá do điều kiện về địa hình không thuận lợi…

          Xác định cần phải đẩy nhanh việc giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể, giao cho các ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Theo đó, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2016 – 2019 dành cho chương trình 30a là 185.984 triệu đồng (vốn Trung ương 137.984 triệu đồng, vốn địa phương 48.000 triệu đồng). Đến hết giai đoạn, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân được 167.799 triệu đồng để đầu tư xây dựng 17 công trình hạ tầng; 5.589 triệu đồng để thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư; 30.230 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế. Cùng với đó đã thực hiện 458 dự án cho 4.813 lượt hộ thụ hưởng, đã giải ngân được 29.397 triệu đồng, đạt 97%. Chú trọng hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài với tổng nguồn vốn giao 2.184 triệu đồng, kết quả toàn tỉnh đã đào tạo nghề, ngoại ngữ cho 280 lao động có tay nghề và kiến thức để đi xuất khẩu lao động.

http://baolangson.vn/uploads/2020/09/25/2-8.jpg

Người dân huyện Đình Lập phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững từ cây chè

          Bình Gia là một trong ba huyện nghèo của tỉnh, trong các xã trên địa bàn huyện, Hồng Thái là xã đặc biệt khó khăn có trên 600 hộ dân sinh sống rải rác ở 9 thôn, bản. Để giải bài toán giảm nghèo, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn và kế hoạch giảm nghèo từng năm. Đặc biệt, thực hiện chương trình giảm nghèo theo địa chỉ, xã đã vận động cán bộ, công chức mỗi người đóng góp một ngày lương/năm để hỗ trợ các hộ nghèo. Đồng thời phân công cán bộ theo dõi trực tiếp đến từng thôn, bản rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân nghèo của từng hộ để tìm cách hỗ trợ sát thực.

          Từ năm 2015 đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của huyện Bình Gia và sự vận động đóng góp của cán bộ, công chức xã Hồng Thái, trên địa bàn đã có 20 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ sản xuất như: mua bò giống và lợn nái. Từ khi thực hiện chương trình giảm nghèo theo địa chỉ, đến nay, 9 con bò giống, 11 con lợn nái  trị giá hơn 130 triệu đồng đã được trao đến tay hộ nghèo.  Nhờ được sự hỗ trợ của chương trình đến nay đã có 6 hộ thoát nghèo.

          Anh Vi Văn Hải, thôn Bản Huấn, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia – một trong những hộ thoát nghèo từ chương trình chia sẻ: Năm 2017, tôi được xã hỗ trợ 1 con lợn nái để phát triển sản xuất. Nhờ chăm sóc tốt nên lợn nái đã sinh được 4 lứa lợn con, đến năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện nay, tôi đã mua được 4 con bò trị giá 50 triệu đồng để nuôi theo hình thức vỗ béo và trồng được 3 ha bạch đàn, hiện nay kinh tế gia đình tôi ổn định.

          Cùng với chăn nuôi, các huyện nghèo đã đẩy mạnh phát triển lợi thế trồng rừng, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế, tạo thu nhập cho người dân. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tổng diện tích đất rộng 96,27 km2, địa hình đồi núi dốc, trong đó có trên 90% diện tích đất lâm nghiệp; khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập đã chú trọng phát triển thế mạnh lâm, nông nghiệp, tập trung vào các mô hình trồng cây keo, thông. Từ năm 2010 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã khai thác từ 1 – 2 vụ keo, thu nhập trung bình từ 55 – 60 triệu đồng/ha/vụ (6 năm cho khai thác), thu từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

          Ông Lộc Dương Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Châu Sơn cho biết: Mô hình trồng cây keo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho bà con nông dân, trong đó có các thanh niên trên địa bàn, không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, điều hòa khí hậu, mà trồng rừng đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của xã Châu Sơn; góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Nhờ thu nhập từ phát triển kinh tế đồi rừng, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 66,6% năm 2010 xuống còn 31,5% năm 2019. Hiện nay, nhiều hộ dân đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang, đời sống Nhân dân đang dần được cải thiện.

          Với những nỗ lực của từng huyện nghèo đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện. Cụ thể, theo thống kê rà soát giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo của 3 huyện nghèo (Bình Gia, Đình Lập và Văn Quan) trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2015 là 42,35% đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 21,63%, bình quân giảm 4,14%/năm, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo Chương trình 30a.

          Bứt phá từ Chương trình 135

          Cùng với Chương trình 30a, thời gian qua, tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện các tiểu dự án trong Chương trình 135 như: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình…

          Theo đó, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2016 – 2019 của Chương trình 135 đầu tư cho tỉnh là 589.418 triệu đồng, trong đó, tiểu dự án 1 về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có kế hoạch vốn 776.376 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng  trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản ĐBKK thuộc xã khu vực II, đã góp phần phát triển hạ tầng trên địa bàn, đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, giao lưu đi lại được cải thiện, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

          Đối với tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK, với kinh phí 139.736 triệu đồng, toàn tỉnh đã thực hiện được 395 dự án cho 139.736 lượt hộ thụ hưởng, kinh phí thực hiện 138.994 triệu đồng, đạt 99,46%. Việc hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi… đã thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

          Thực hiện dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, cả giai đoạn 2016 – 2020, với tổng kinh phí 5.861 triệu đồng, toàn tỉnh đã thực hiện 17 dự án, mô hình với 54 con bò, 19 con trâu, 252 con dê, 15 con lợn cho 547 hộ thụ hưởng. Qua đó tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp thu và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, quy mô sản xuất được mở rộng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế sản xuất hàng hoá, giảm nghèo nhanh và bền vững.

          Với những nỗ lực đó, công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo, giải quyết việc làm hằng năm cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đời sống của người nghèo và cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt, việc làm cho người lao động cơ bản ổn định, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt 3,61%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (giảm từ 25,95% đầu năm 2016 xuống còn 10,89% cuối năm 2019), dự kiến hết năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 7%.

          Cùng với đó, 100% đối tượng hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách giảm nghèo như: chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, pháp luật, nhà ở, tín dụng ưu đãi… Kết quả thực hiện mục tiêu tăng thu nhập các hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt gấp 1,45 lần so với năm 2015; 8 xã và 23 thôn ĐBKK được công nhận hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020.

          Thách thức giảm nghèo trong giai đoạn mới

          Hiệu quả kinh tế – xã hội từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo, người dân vùng ĐBKK, vùng ATK, biên giới đảm bảo an toàn xã hội, Nhân dân đồng thuận tin tưởng vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Qua đó đóng góp vào thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chính của các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm nghèo bền vững; tỷ lệ giảm hộ nghèo đạt, vượt mục tiêu đề ra.

          Tuy nhiên, trên thực tế, CTMTQGGNBV còn nhiều chính sách có tính chất “cho không” như: chính sách hỗ trợ tiền điện, chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính sách cấp gạo cho học sinh… đã làm giảm sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo và kết quả sự huy động nguồn lực của cộng đồng. Mặt khác, một số nội dung thuộc hợp phần dự án giảm nghèo phân tán, không tập trung, như một dự án phân chia cho nhiều ngành làm đầu mối chủ trì thực hiện dẫn đến khó khăn trong quản lý và tổ chức thực hiện.

          Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nhu cầu đầu tư các chương trình, dự án cho công tác giảm nghèo tại các huyện nghèo, các xã ĐBKK, xã ATK, biên giới trên địa bàn tỉnh là rất lớn, vì so với cả nước Lạng Sơn vẫn là tỉnh nghèo. Vì vậy, trong giai đoạn mới (2020 – 2025), tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội mà tỉnh đã đề ra.

Nguồn: baochinhphu.vn