Skip to main content
Ban biên tập | 15 September 2020

           Những năm qua, huyện Văn Quan luôn quan tâm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Qua đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo từng bước được nâng lên, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

          Xuất phát từ nhu cầu thực tế, các lớp dạy nghề ở Văn Quan chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi như: trồng hồi, nấm; chăn nuôi lợn, gà… Đơn cử như xã Tràng Phái, từ năm 2010 đến nay, UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức được 19 lớp về trồng rừng, trồng nấm, chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp cho hơn 600 lượt LĐNT. Qua các lớp học, bà con trong xã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng áp dụng vào sản xuất. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình chăn nuôi lợn nái (năm 2012) với 35 hộ nghèo tham gia, đến nay đã có 20/35 hộ thoát nghèo; mô hình trồng nấm ở thôn Còn Riềng giúp hơn 20 hộ tăng thu nhập…

Người dân xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan chăm sóc cây quýt

          Bà Triệu Thị Lý, thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái cho biết: Gia đình tôi xây dựng mô hình trồng nấm từ năm 2012. Ban đầu, gia đình chưa nắm được kĩ thuật chăm sóc nên nấm dễ bị hỏng. Sau khi được tham gia lớp học nghề về kĩ thuật trồng nấm do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức, tôi đã biết cách làm phôi nấm đúng kĩ thuật, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với quá trình sinh trưởng của nấm. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nấm tăng lên. Hiện tại, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 50 triệu đồng từ mô hình trồng nấm, tăng gấp đôi so với khi chưa áp dụng kĩ thuật.

          Cùng với bà Lý, nhiều bà con trên địa bàn huyện Văn Quan được tham gia các lớp đào tạo nghề, từ đó phát triển mô hình kinh tế, tăng thu nhập. Được biết, thực hiện Đề án về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính Phủ, trong giai đoạn 2011 – 2020, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Quan đã phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX huyện tổ chức được 95 lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp với 2.215 lượt học viên tham gia. Trong đó, có 90% học viên học nghề nông nghiệp. Sau đào tạo, khoảng 80% số lao động tìm được việc làm ổn định. Góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2020 lên 32 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2011.

          Chương trình dạy nghề được thực hiện gắn với nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình trồng dưa hấu tại xã Trấn Ninh, Tri Lễ, Tú Xuyên; mô hình trồng rau an toàn tại xã Can Sơn, Tràng Các; mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái tại xã Điềm He; mô hình trồng quýt ở xã Hữu Lễ; trồng rừng sản xuất tại các xã: Hòa Bình, Lương Năng…

          Ông Liễu Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Văn Quan cho biết: Để công tác dạy nghề phát huy được hiệu quả, chúng tôi gắn chương trình dạy nghề với nhu cầu của người dân, đặc điểm sản xuất của địa phương. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi chú trọng hướng dẫn kỹ năng thực hành nghề, số giờ thực hành chiếm 80% tổng số giờ của chương trình đào tạo.

          Bà Hoàng Thị Tuyết, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Văn Quan cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện luôn được chú trọng. Từ những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới được chuyển giao, người dân đã áp dụng vào thực tế sản xuất hiệu quả, giúp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 50%, tăng hơn 20% so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 16,8%, giảm 28% so với năm 2011. Thời gian tới, gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho hơn 600 LĐNT.

Nguồn: baolangson.vn