Skip to main content
Ban biên tập | 14 September 2020

           Đó là ông Đỗ Văn Đồng (sinh năm 1956), khu Đoàn Kết, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập. Ông là một trong những tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi với mô hình thu mua chè búp tươi, sản xuất và chế biến chè búp khô cho thu nhập hàng trăm  triệu đồng mỗi năm.

          Những ngày đầu tháng 5, theo chân cán bộ thị trấn Nông trường Thái Bình đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Đỗ Văn Đồng, chúng tôi càng khâm phục ý chí vươn lên và nghị lực của người cựu chiến binh này. Ông Đồng sinh ra và lớn lên ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Năm 1974, ông lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông Đồng tham gia làm công nhân quốc phòng ở Nông trường chè quốc doanh Thái Bình, huyện Đình Lập (nay là Công ty Cổ phần chè Thái Bình) và sinh sống tại đây. Năm 1999, ông Đồng và gia đình bắt đầu trồng chè và thu mua chè búp tươi với quy mô hộ gia đình.

Ông Đỗ Văn Đồng kiểm tra chất lượng nguyên liệu làm chè búp

          Ông Đồng cho biết: Chè là cây mũi nhọn phát triển kinh tế của thị trấn với diện tích lớn, vì vậy tôi đã thu mua chè búp tươi của người dân về chế biến và rất vui khi sản phẩm làm ra đều tiêu thụ được. Trong quá trình làm, tôi vừa đi học hỏi kinh nghiệm từ quê chè Phú Thọ vừa nghiên cứu sách báo để làm sao nâng cao được năng suất, chất lượng chè. Đến năm 2007, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô lên thành xưởng sản xuất chế biến chè, đầu tư một số máy móc công nghiệp như máy sao chè, máy vò và xây dựng thương hiệu chè Đồng Thuộc. Khi đó,  mỗi ngày, tôi thu được từ 1 đến 1,5 tấn chè búp tươi của người dân để sản xuất, chế biến chè khô bán ra thị trường trong tỉnh.

          Xác định đây là nghề kinh doanh lâu dài và có tiềm năng, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, từ năm 2017, ông Đỗ Văn Đồng tiếp tục mở rộng sản xuất, xây dựng nhà xưởng với quy mô diện tích 1 nghìn mét vuông, lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, nâng cao năng suất, tăng sản lượng lên 60 tấn chè khô/năm. Đặc biệt, năm 2019, cơ sở sản xuất chè Đồng Thuộc của ông Đồng được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, cơ sở đã lắp đặt hoàn thiện dây chuyền sản xuất chè khô công nghệ mới với quy mô khép kín, sản phẩm đầu ra được phân loại rõ ràng theo từng chất lượng. Với dây chuyền công nghệ mới, năng lực sản xuất của cơ sở ông Đồng tăng lên 4 đến 5 tấn chè búp tươi/ ngày, chiếm đến 1/3 tổng sản lượng chè của thị trấn.

          Ông Đồng chia sẻ: Nhờ được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, đến nay, thương hiệu chè Đồng Thuộc đã được người tiêu dùng đón nhận và ngày càng vươn xa, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã có mặt ở nhiều tỉnh trên cả nước như: Bắc Giang, Quảng Ninh. Năm 2019, cơ sở thu mua được 300 tấn chè búp tươi, chế biến chè búp khô được 60 tấn, đem lại giá trị kinh tế 800 triệu đồng mỗi năm.

          Ông Vũ Hữu Trình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Cựu chiến binh Đỗ Văn Đồng đã  nhạy bén, phát huy được thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ trồng chè, cơ sở của ông còn giúp  6 lao động là người địa phương có việc làm ổn định với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Không chỉ giỏi làm giàu, ông Đồng còn tích cực tham gia đóng góp từ thiện cũng như những nguồn quỹ xã hội do địa phương phát động. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi để họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo với số tiền mỗi hộ là 40 triệu đồng.

          Với sự cố gắng và nỗ lực đó, nhiều năm liền, hộ ông Đỗ Văn Đồng được tỉnh, huyện khen thưởng vì sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2019, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích hộ gia đình sản xuất giỏi.

Nguồn: baolangson.vn